The Icon List: Nhắc đến kịch câm, gọi tên Hoàng Tùng
Arts & CultureFeatureLifestyle

The Icon List: Nhắc đến kịch câm, gọi tên Hoàng Tùng

Diễn viên nhà hát kịch Tuổi trẻ, giảng viên Đại học Sân Khấu điện ảnh, Mr. Bean Việt Nam… những danh xưng này cứ nói lên, là y như rằng những người yêu sân khấu sẽ nghĩ ngay đến nghệ sĩ Hoàng Tùng.

“Ôi sao lại có một thứ như thế này. Chẳng có bức tường nào cả, mà chỉ cái cách tay họ di chuyển trên không trung có cảm giác như họ đang sờ một bức tường thật!” là suy nghĩ xuất hiện trong đầu cậu bé Hoàng Tùng lần đầu tiên thấy người ta làm động tác kịch câm. Hoàng Tùng thích kịch câm từ đó, và càng ngày càng thích hơn. Khi tôi nói nếu muốn tìm tên tuổi những nghệ sĩ kịch câm đời đầu ở Việt Nam từ những năm 1960-1970 trên mạng internet, thì cũng khó như tìm kiếm… tài liệu mật, anh lần lượt kể cho tôi những cái tên như vậy với chẳng chút khó khăn. Thế mới biết đã từng có thời kịch câm vàng son trên sân khấu kịch như vậy, nó lên rồi nó xuống. Nhờ Hoàng Tùng (nghệ sĩ sinh năm 1982) và sự “cứng đầu” của anh khi khăng khăng theo đuổi kịch câm, may ra nó sẽ lại ở đồ thị tịnh tiến.

Chỉ là may ra, đúng vậy! Hoàng Tùng ngày đầu đến với kịch câm thế nào, có lẽ nhiều người cũng biết: bắt đầu tập từ những động tác đơn giản nhất như đi bộ, sờ tường, kéo dây… cho đến những tiểu phẩm đầu tiên đìu hiu người đến xem kịch, rồi số lượng tiểu phẩm nhiều hơn, rồi Hoàng Tùng chính thức gắn bó với cái tên Mr. Bean Việt Nam. Thế giới chỉ có một Mr. Bean, và ở Việt Nam, trên sân khấu kịch câm, cũng chỉ có mình Hoàng Tùng. “Kịch câm sẽ phát triển theo kiểu, nếu tôi làm được đến đâu thì nó sẽ đi đến đấy, tôi không làm gì nữa thì nó sẽ ngừng lại.” Hoàng Tùng không nói quá, nhưng tôi biết kịch câm vẫn sẽ nằm mãi trong sự mê mải của người nghệ sĩ như Hoàng Tùng.

Với sân khấu kịch nói chung, tôi còn có thể tưởng tượng quy trình của nó, còn với nghệ thuật kịch câm nói riêng, tôi cần một hướng dẫn đặc biệt tỉ mỉ của Hoàng Tùng. Có lúc anh bắt đầu với kỹ thuật để tạo nên một câu chuyện thể hiện kỹ thuật đó, cũng có khi Hoàng Tùng bắt đầu bằng câu chuyện trước, bởi một nghệ sĩ kịch câm thì cũng kiêm luôn vai trò tác giả, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật. Tư duy này, có lẽ nên cảm ơn lần Hoàng Tùng có dịp xem nghệ sĩ người Nhật Bản Himoro Naoki ở Hà Nội, mà theo anh, “đó là người đánh thức và khiến tôi suy ngẫm lại về kịch câm. Tôi nhận ra kịch câm không cũ kĩ như mình từng nghĩ, không bế tắc như mình từng nghĩ nó bế tắc.” Hóa ra chỉ cần một tư duy khác từ tâm thế tác giả và đạo diễn để Hoàng Tùng mang kịch câm trở lại với công chúng, theo cách hấp dẫn hơn.

Sau hai show diễn “Kịch câm trở lại” và “Suỵt” cùng số lượng tiểu phẩm chính Hoàng Tùng cũng chẳng nhớ nổi, anh thú nhận vẫn có tiểu phẩm làm khó anh, vì các động tác kịch câm cũng chỉ có thế, nên phải làm thế nào cho nó mới, đương đại mà vẫn gần gũi dễ hiểu với khán giả. Khi ở trên sân khấu, Hoàng Tùng nói luôn có hai cái tôi song hành trong anh: cái tôi của diễn viên và cái tôi của nhân vật. Anh ta sẽ phải biết đến đâu thì sẽ có đèn sáng, đến đâu thì sẽ dễ dàng hơn để khán giả theo dõi.

“Một tác phẩm kịch chưa đựng quá nhiều tính khoảnh khắc mà phim ảnh không thể có, nó luôn quay về thời điểm hiện tại với cả người thưởng thức lẫn người sáng tạo, nên ngày hôm sau khán giả xem lại vở kịch đó thì nó cũng đã rất khác rồi.” Mới mẻ như thế, thú vị như thế, bảo sao Hoàng Tùng không gắn bó với sân khấu kịch đến vậy, dù tôi vẫn thấy đâu đó hình ảnh cậu bé Hoàng Tùng trong cuốn phim truyện thiếu nhi tôi xem hồi nhỏ. Chút hào hứng trẻ thơ, những diễn giải đi kèm với rất nhiều mô tả bằng cử chỉ, nét mặt, Hoàng Tùng sống động như vậy cả khi không đứng trên sân khấu.

Còn show diễn thứ ba trong sự nghiệp nghệ sĩ kịch câm nói riêng của Hoàng Tùng thì sao? “Nó lởn vởn trong đầu tôi nhưng chưa thành hình được. Mình không phải cái máy mà cứ bấm là ra sản phẩm được.” Trong lúc chờ đợi một sự “thành hình”, Hoàng Tùng vẫn gắn bó với sân khấu kịch qua từng vở diễn, vẫn đứng lớp dạy dỗ học trò của mình về loại hình nghệ thuật này, và vẫn đứng trước gương luyện tập những kỹ thuật kịch câm, để không mất cảm giác, để duy trì một kết nối “duyên nợ” với kịch câm.

Bài: Vân Anh
Ảnh: NVCC

Bài viết thuộc ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #8 – The Icon Issue. Đặt ấn phẩm  tại ĐÂY:

 

Related Article