“To be seen”: Xăm hình nghệ thuật, hay thông điệp tồn tại đầy kiêu hãnh?
LifestyleFeature

“To be seen”: Xăm hình nghệ thuật, hay thông điệp tồn tại đầy kiêu hãnh?

Từ mục đích chính trị, tín ngưỡng hay văn hóa. Từ những luồng cảm xúc rối ren, kiêu hãnh hay định kiến. Từ dòng chảy vận động đấu tranh, cấm đoán rồi lại đấu tranh không ngừng. Trong suốt nhiều năm qua, hai lĩnh vực nằm ngoài sự bao quát của dòng chảy nghệ thuật chính thống là nghệ thuật đường phố và xăm hình nghệ thuật vẫn phát triển mạnh mẽ để không một ai có thể phớt lờ thông điệp tồn tại của họ.

xăm hình nghệ thuật

Khởi thủy

Nghệ thuật đường phố được sinh ra và lớn lên tại cái nôi của văn hóa Hip hop, được nuôi dưỡng trong những trăn trở về những giá trị tồn tại để rồi hòa mình vào dòng chảy văn hóa đương đại cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21. Thật ra, khái niệm Street Arts là sự tổng hợp đi lên từ nhiều hình thức nghệ thuật đường phố khác nhau, nhưng gốc rễ sơ nguyên nhất vẫn là xuất phát từ graffiti. Những hình vẽ graffiti ban đầu xuất hiện vào năm 1970, trong khu vực sinh sống của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và Latin tại New York. Tính đến thời điểm hiện tại, graffiti được phát triển với nhiều phong cách khác nhau nhưng tựu trung, đó vẫn là những tuyên bố nghệ thuật đầy thách thức.

Hay nói cách khác, không thách thức thì đã chẳng là graffiti. Vì những thông điệp được thể hiện trên một bức vẽ rất khó để nhận ra, các chữ viết được xếp chồng hay vẽ nguệch ngoạch như đúng với nghĩa của từ graffiti nhưng cách sử dụng màu sắc, hiệu ứng 3D, kích thước lớn lại mang đến hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ sau những năm 1980, một số nghệ sĩ graffiti đã dần mở rộng thêm nội dung tác phẩm của mình để chúng không còn bị bó hẹp ở cách thể hiện thiên về chữ nữa (text-based). Điều này đã đặt nền móng cho sự ra đời của nghệ thuật đường phố nói chung, mang tính bao hàm và tổng quát nhiều hơn trong khoảng thời gian chuyển giao thiên niên kỷ mới. Do vậy, một số đánh giá gọi Street Arts là “nghệ thuật công chúng độc lập”, “post-graffiti” (hậu graffiti), hay “neo-graffiti” (graffiti mới).

Street Arts lựa chọn các không gian công cộng để trở thành địa điểm giao lưu với công chúng bằng nhiều hình thức và thông điệp. Bên cạnh graffiti được cho là “truyền thống” nhất và mang tính biểu tượng nhất, ngày nay Street Arts còn bao gồm hình thức thể hiện qua Stencil (khuôn tô) với Blek le Rat là người tiên phong khi tạo hình tác phẩm bằng cách phun sơn qua những khuôn đã cắt sẵn trên các loại giấy nến hay bìa carton; sticker (nhãn dán) tự chế hay được in ấn sẵn thiết kế sẵn. Đây được xem là một tiểu thể loại của nghệ thuật hậu hiện đại. Ngoài ra, ở nhiều đường phố trên thế giới còn được chứng kiến sự thể hiện của các hình thức thảm mosaic, trình chiếu video (video projection), thiết đặt đường phố (Street installation), wood blocking, yarn bombing và cuối cùng là nhảy đường phố (flashmob). Từ một chồi non được gieo trồng vô thức bên rìa mảnh vườn nghệ thuật, nay Street Arts đã có thể sinh trưởng và phát triển thành một cây cao rẽ nhánh với đa dạng hình thái, thông điệp và một cộng đồng nghệ sĩ đầy sáng tạo và bản lĩnh.

Kiêu hãnh…

Mặc dù lịch sử phát triển chưa dài và vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi nhưng những sự thật khách quan ấy cũng không thể ngăn Street Arts trở thành nguồn cảm hứng cho các loại hình nghệ thuật khác. Trong đó, người viết nhận thấy rõ nhiều nét tương đồng và chia sẻ giữa nghệ thuật đường phố và nghệ thuật được thể hiện trên cơ thể, cụ thể là hình xăm. Đầu tiên đó chính là khát khao được “nhìn thấy”. Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao những người theo đuổi loại hình nghệ thuật đường phố và nghệ thuật trên cơ thể vẫn luôn không ngừng kiến tạo vùng trời của riêng mình dù cho pháp luật, chính quyền và định kiến xã hội chưa hoàn toàn đứng về phía họ? Với Street Arts hay cụ thể hơn là graffiti, nạn phân biệt chủng tộc, đói nghèo và sự lộng hành của các băng nhóm tội phạm ở New York thời bấy giờ chính là chất liệu khởi thủy đầu tiên cho những người sử dụng graffiti như là một công cụ gửi gắm thông điệp với xã hội.

Còn với nghệ thuật xăm (tattoo), sau khoảng thời gian hàng ngàn năm ra đời và phục vụ nhiều mục đích khác nhau, đến thời điểm hiện tại, khi mà chúng ta gắn thêm định danh “nghệ thuật” trước hai chữ “hình xăm” thì hầu như bản thân sự tồn tại của nó đã được dùng với mục đích phô diễn. Trừ những lý do đặc biệt, đa phần những ai đi đều sẽ lựa chọn những vị trí không bị quần áo che khuất để những cái tôi thu nhỏ trên da ấy được nhìn thấy và được lắng nghe. Thể hiện thông điệp qua hình xăm cũng đa dạng như với các hình thức Street Arts. Thậm chí, ngoài việc sử dụng những chất liệu thông thường, hai loại hình nghệ thuật này còn có thể trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhau.

xăm hình nghệ thuật

Nhất là với hình xăm khi ngày càng nhiều giới trẻ thưởng thức tính nghệ thuật độc đáo lẫn những nội dung truyền tải bên trong các tác phẩm Street Arts và muốn chúng trở thành một dấu ấn cá nhân trên cơ thể. Từ các bức vẽ mang phong cách graffiti đến những tác phẩm nổi tiếng mang dấn ấn của nghệ sĩ Bansky đều được những người mê hình xăm ưu ái lựa chọn. Việc mang những cảm hứng đường phố thể hiện trên da thịt cũng là một cách nay để mở rộng biên giới của nghệ thuật ra khỏi những sắp đặt trong các không gian thành thị khô cứng.

xăm hình nghệ thuật

… và định kiến

Bên cạnh việc chia nhau một nỗi niềm tâm tưởng thì giữa Street Arts và Tattoo (kì lạ thay) còn chia nhau những định kiến và ngăn cấm được hình thành bởi xã hội hiện đại. Một bên từng phải đối mặt với những cáo buộc, bắt bớ và thậm chí án phạt bởi pháp luật, còn một bên thì đã và đang phải nhận nhiều sự hiểu lầm thậm chí kiêng kị bởi ánh nhìn xã hội. Hình xăm cũng giống như nghệ thuật đường phố, nó không phù hợp với thẩm mỹ của đại đa số. Cả hai đều đang chống lại những gì được xem là chuẩn mực và cưỡi lên những làn sóng dư luận để những đôi bàn tay có thể tự do vẽ nên những giấc mơ trong tâm trí. Cuối thập niên 70, graffiti phát triển ồ ạt với nhiều hình thức khác nhau, các hệ thống giao thông công cộng và các bức tường của nhiều tòa nhà trở thành những “tấm toan vĩ đại” của các nghệ sĩ graffiti.

Chính quyền lo lắng, người dân phẫn nộ khi mỗi đêm thức dậy họ phát hiện tường nhà mình biến thành một mớ xanh xanh đỏ đỏ với những hình vẽ “rùng rợn” và “quái dị”. Những vụ bắt bớ, những biện pháp trấn áp, những bản án phạt đã lần lượt được tuyên khiến phong trào graffiti bước vào giai đoạn tàn lụi trong thập niên 90. Hiện tại, Street Arts và graffiti đã có thể tiến vào thế giới mainstream khi chúng dần được chấp nhận bởi công chúng, truyền thông, lẫn những nhà phê bình.

Thậm chí, với các nhà xã hội học, loại hình nghệ thuật này còn đáng được đào sâu nghiên cứu vì theo họ chúng thể hiện não trạng cô đơn và nỗi loạn của của giới trẻ thành thị trong xã hỗi công nghiệp bận rộn và lạnh lùng. Mặc dù đã và đang được chấp nhận rộng rãi, thậm chí cánh cửa của ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp cũng đang mở ra với Street Arts cùng các phân nhánh liên quan nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều quốc gia trên thế giới công nhận đây là những loại hình này là nghệ thuật hợp pháp.

Đó là câu chuyện của Street Arts, còn khi đến với Tattoo, vấn đề văn hóa – xã hội được cân nhắc nhiều hơn trong vòng xoáy mâu thuẫn giữa những người ủng hộ và phản đối nghệ thuật này. Một điểm lạ lùng là, mặc dù hầu hết những cái nôi lớn sinh ra hình thức xăm mình đa phần bắt nguồn từ Châu Á, nhưng đây cũng chính là nơi bài xích loại hình nghệ thuật này mạnh mẽ nhất. Ở thời cổ đại, Ai Cập, Trung Quốc và một số quốc gia vùng Viễn Đông Châu Á sử dụng hình xăm cho mục đích tôn giáo, trong các nghi thức thờ cúng và tâm linh. Thậm chí, Lĩnh Nam Chích Quái đã ghi lại tục xăm hình thủy quái lên người của người Việt Cổ là để đề phòng thuồng luồng tấn công trong lúc xuống biển đánh bắt cá.

Thế nhưng, đến thời trung đại, rất nhiều quốc gia Châu Á trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản đã cải biên hoạt động này thành một hình thức trừng phạt cho những người có tội. Các tù nhân hoặc người có tội sẽ chịu hình phạt xăm chữ vào mặt và bị tách khỏi gia đình, cộng đồng, tước đi tư cách trở thành một công dân của xã hội. Và kể từ đó, hình thức xăm trổ không còn được sử dụng rộng rãi hay ít nhất là với những ý nghĩa tích cực như trước đây. Chúng thường được dùng như một công cụ để thể hiện sự phô trương sức mạnh của những thành phần cấp thấp trong xã hội hay những đảng phái vũ lực điển hình như những gangster Nhật Bản (yakuza) là còn giữ truyền thống xăm mình.

Hướng rẽ nhánh này cũng được hòa nhập vào một số quốc gia châu Á khác để rồi trong tâm trí của rất nhiều thế hệ sinh trưởng trước thiên niên kỷ mới, việc xăm trổ luôn đi liền với hình ảnh của các đàn anh đàn chị. Do vậy, những tranh cãi gần đây xoay quanh việc nhìn nhận nghệ thuật xăm mình cũng có thể được hiểu là một biểu hiện của xung đột thế hệ. Millennials và nay là Gen Z có xu hướng phát triển hướng tâm, tức là hướng về những giá trị cá nhân vì vậy họ có nhận định mạnh mẽ về các quyền và nghĩa vụ của bản thân, mà tự do thân thể là một phần trong số đó.

Những hình xăm ngày nay được thể hiện khá đa dạng, không chỉ bó hẹp ở các loại rồng hổ dữ tợn như trước kia mà ở một khía cạnh nào đó, hình xăm cũng có thể xinh xắn, dịu mắt hay mang thông điệp ý nghĩa với người nhìn. Do vậy, trong những năm gần đây, nghệ thuật xăm mình dưới sự cổ vũ của giới trẻ đã và đang được nhìn nhận tích cực hơn ở các mặt ý thức xã hội, bình đẳng giới và sự thấu hiểu của các thế hệ đi trước.

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Alex Fox (@alexfox_alexfox) chia sẻ

Nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà văn truyện ngắn người Mỹ gốc Đức – Charles Bukowski đã từng nói viết rằng: “Nếu nó là nghệ thuật, nó không dành cho tất cả, và nếu nó dành cho tất cả, nó không phải là nghệ thuật.” Vừa vặn câu nói khơi gợi tinh thần rộng mở và lòng khoan dung khi ta thưởng thức một tác phẩm này cũng đã thay lời người viết kết lại những dòng chia sẻ về hai loại hình nghệ thuật, tuy dị biệt nhưng cũng là nét chấm phá khác biệt cho dòng chảy nghệ thuật đương đại.

Bài: Bùi Phương Linh
Ảnh: Tổng hợp

Bài viết thuộc ấn phẩm MF#7 – The Street Culture Issue. Đặt mua ấn phẩm tại ĐÂY:

 

Related Article