Đừng để những tấm ảnh cặp đôi ôm ấp trên bãi biển ngập tràn Instagram đánh lừa bạn, vì có thể rất nhiều trong số đó đang nghĩ đến chuyện chia tay sau những chuyến đi du lịch cùng nhau “ảo diệu” đó đấy…
Paris mùa mưa có đẹp không?
Gil Pender sẽ nói với bạn là có, đẹp quá đi chứ! Không có nơi nào lãng mạn như Paris. Không có hành động nào lãng mạn bằng việc đi bộ dưới mưa tả ngạn sông Seine trên chuyến du lịch cùng nhau. Còn vị hôn phu Inez thì sẽ trợn mắt hỏi: “Có gì lãng mạn trong việc bị ướt?!?” Paris tự dưng biến thành hai phiên bản biến thể dưới con mắt hai người (mặc định là) đang yêu ấy trong bộ phim Midnight in Paris của đạo diễn Woody Allen. Một nhà biên kịch ở Hollywood ôm mộng viết tiểu thuyết, một thực tế đến nhạt nhẽo. Một mơ mộng về Paris đến mức muốn sống ở thành phố này. Một đảm bảo cô sẽ không thể sống chỗ nào khác ngoài Bắc Mỹ. Một chỉ thích ngồi ở hàng hiên quán café cả ngày viết lách. Một chán ngấy những đại lộ hào nhoáng bóng bẩy chẳng có chút gì nước Mỹ của cô ta. Một thích phiêu lưu khám phá. Một lại chỉ thích cuộc sống ổn định với anh chồng cũng ổn định nốt. Allen khắc hoạ hai nhân vật này xung khắc, khác biệt đến độ tôi xem phim mà chẳng tưởng tượng được rốt cục họ đến với nhau, yêu nhau đủ lâu và nhiều để quyết định kết hôn là vì lý do gì?
Không có tiền truyện, nên tôi đổ lỗi cho Paris. Tự dưng rời khỏi Los Angeles nắng gió quanh năm, rời khỏi nước Mỹ với cùng kiểu suy nghĩ và cùng trọng tâm âu lo khao khát, ai rảnh rỗi mà nghĩ đến việc ô kìa, cô ấy sẽ không thích những cơn mưa đỏng đảnh của Paris? Ô kìa, anh ấy chắc chỉ có chút mộng mơ một ngày làm nhà văn thôi, chứ ai mà ngờ Paris lại có thể biến mộng mơ ấy thành hiện thực? Tại Paris chết tiệt, mà anh chàng lãng mạn Gil Pender (Owen Wilson thủ vai) phải nghe một bài thuyết giảng về chuyện anh ta nên bớt xa lánh xã hội để mà tham gia chuyến tham quan cung điện Versailles với đám bạn của vợ sắp cưới (Rachel McAdams thủ vai). Cũng là do Paris khiến anh ta chỉ muốn đi dạo buổi tối, trong khi vị hôn phu lại cứ khăng khăng đi đến sàn nhảy.
Chuyện phía sau thế nào, ai xem Midnight in Paris chắc cũng biết. Gil khám phá Paris theo cách của anh ta để chẳng làm phiền ai (liên quan đến du hành xuyên thời gian và những cuộc chè chén, hò hẹn trong lòng thành phố hội hè vào những năm 1920), còn Inez làm gì trong lúc đó thì có trời biết. Chỉ biết cuối phim, cũng là cuối chuyến đi, chàng và nàng đường ai nấy đi, phát hiện ra đây chỉ là hệ quả tất yếu của một mối quan hệ không tương thích ngay từ khởi đầu. Hoá ra Paris không tội lỗi như tôi tưởng. Hoá ra chính là nhờ Paris!
Khi bạn tôi kể chuyện vừa có chuyến đi “cứ sao sao đó” với bồ mình, tôi nghĩ ngay đến Gil, Inez, đoạn hội thoại của họ và chuyện đi bộ dưới mưa. Tất nhiên, Woody Allen cứ thích phải vô lý một chút trong phim khi đẩy hai nhân vật rõ ràng chẳng có điểm gì chung trở thành một đôi trước khi phim bắt đầu. Tôi không nghĩ nhiều sự khác biệt như vậy có thể làm tiền đề cho một mối quan hệ dù họ đang sống cùng nhau ở một đất nước của họ, trong môi trường sống tự nhiên của họ, ăn uống những món ăn của họ, hít thở cùng bầu không khí như trước nay vẫn vậy.
Nếu tôi mà là đạo diễn phim, đảm bảo sẽ chẳng có chuyến đi Paris nào. Vì tôi là một kẻ điên thích logic, nên tôi sẽ để hai nhân vật của mình chia tay sau tháng thứ hai hẹn hò, chí ít cũng chừa chút thời gian để họ nhận ra yêu đương những người khác mình từ A-Z tốn thời gian đến thế nào. Nhưng tôi không phải đạo diễn, và Woody Allen với phong cách dí dỏm châm biếm đặc trưng của ông hoàn toàn có thể sử dụng chút phóng đại để diễn tả sức sát thương của những chuyến đi với các cặp đôi. Nên tôi kể cho bạn nghe về bộ phim, và kết luận bằng một câu “Có khi nào trường hợp của bạn cũng giống Gil? Và cái nơi bạn vừa đến thì cũng chẳng khác gì Paris hay không?!”
Du lịch cùng nhau – Phép thử không thể thiếu?
Phải khẳng định rằng, bản thân việc du lịch không phải luôn là tội đồ chia rẽ những cặp đôi. Nó cũng giống việc bạn đi thử một kiểu tóc mới, độ hên xui tương tự. Hợp thì nhìn đẹp mà không thì sẽ phải sống cùng sự xấu xí trong một khoảng thời gian. Nếu chuyến đi khiến bạn nhận ra đối phương vẫn là người như bạn hình dung (hay hơn thế) thì tất nhiên mối quan hệ sẽ càng bền chặt, nhưng nếu nó khiến bạn cứ vướng phải khó chịu này đến nuốt trôi sự khó chịu khác thì bạn tốt nhất nên xem xét lại mối quan hệ của mình.
Chuyên gia tình yêu thậm chí có một lời khuyên rất ngộ nghĩnh dành cho những cặp đôi: Đừng kết hôn nếu hai người chưa bao giờ đi du lịch cùng nhau. Chuyện thật mà như đùa. Thử nghĩ mà xem, hai người hẹn hò yêu đương sang nhà nhau như cơm bữa, nếu một ngày không nhìn mặt nhau thì cũng nhắn tin nói chuyện đến khi máy tính sập nguồn. Đấy, bền đẹp đến mức tương tác gần liên tục mà còn chẳng chán nhau, sao một chuyến đi chơi (cơ hội để mặc đồ sexy và thả lỏng khỏi stress công việc) lại có thể phá hỏng những gắn kết hiển nhiên như vậy?
Đấy là bạn đã quá coi thường chuyện đi du lịch rồi. Nếu thời Covid người ta chứng kiến tỉ lệ cặp đôi chia tay tăng đáng kể vì bị mắc kẹt mà sống cùng nhau trong một không gian 24/7 và phải chứng kiến những thói hư tật xấu của nhau; thì chuyện bước ra khỏi vùng an toàn cho mỗi chuyến đi lại kéo theo đủ loại thử thách khác. Hãy cứ nghĩ đơn giản là một khi đã quyết định bước chân ra khỏi nhà là bạn phải đối mặt với rủi ro. Đi càng xa rủi ro càng nhiều. Xe hỏng, lỡ máy bay, mất đồ đạc, đi lạc, ở một chỗ không tiện như miêu tả trên Airbnb, chưa kể đến chuyện người này thích du lịch kiểu nghỉ dưỡng cả ngày nằm trườn bò ở hồ bơi, người kia lại thích khám phá ăn uống, tham quan di tích, ngắm nghía viện bảo tàng, trò chuyện với bạn bè mới… Những tình huống bất ngờ này là kiểu thuốc súng kích hoạt đủ mọi thể loại phản ứng của con người, tốt đẹp có mà xấu xí cũng có.
Chia buồn với bạn là hãy cứ chuẩn bị tinh thần cho nhiều xấu xí hơn tốt đẹp, bởi các nhà tâm lý đã có cả chục nghiên cứu chỉ ra những căng thẳng bất ngờ ở ngoài vùng an toàn có thể khiến người ta bộc lộ những góc khuất nhất của mình. Một bất lợi khác khi du lịch là bạn có toàn thời gian cho những cuộc hội thoại. Sẽ chẳng còn công việc, những mối quan hệ bên ngoài, những khoảng thời gian hẹn hò quý báu buổi tối để mà khiến bạn xao nhãng. Giờ bạn chỉ việc nói và nghe, những chủ đề trước đây bạn có thể tặc lưỡi cho qua giờ ồ ạt quay về. Câu hỏi đặt ra là liệu nó sẽ chỉ dừng lại ở những cuộc hội thoại thông thường, hay có quá nhiều thời gian (theo đúng nghĩa đen của nó) để biến thành khẩu chiến? Nên các nhà tâm lý học hoàn toàn có lý để ví von du lịch như một phép thử cần thiết cho mọi mối quan hệ. Và dù du lịch có thể khiến bạn cảm thấy mới mẻ, vui vẻ hơn, logic này không phải lúc nào cũng đúng khi ứng với những cuộc tình.
Đừng tin mạng xã hội
Quay trở lại với hình ảnh những cặp đôi hạnh phúc nồng cháy ở những địa điểm du lịch trong mơ bạn thường thấy trên Instagram, dù thú thực sau khi biết những mặt khác của du lịch cùng nhau, chúng không còn là một kiểu bảo chứng hình ảnh cho những cặp đôi hạnh phúc nữa. Muốn bảo chứng, chắc cần đến sự trợ giúp của Hotwire – một website du lịch nổi tiếng có trụ sở ở San Francisco, Mỹ. Sau khoảng thời gian ngành du lịch ngắc ngoải vì đại dịch, Hotwire nghĩ ra chiến dịch dựa trên chính hiện tượng “phép thử” này mang tên Love at Last Minute. Một thử thách dành riêng cho các cặp đôi mới hẹn hò và đã sẵn sàng để mối quan hệ của mình qua một phép thử. Ba cặp đôi được chọn sẽ được tài trợ toàn bộ chi phí du lịch cùng các dịch vụ của Hotwire, tình yêu của họ sau chuyến đi có sống sót hay không hồi sau sẽ rõ. Người thắng cuộc (là người còn ở lại bên nhau) sẽ nhận được giải thưởng là chuyến du lịch trị giá 10.000 USD.
Ý tưởng thú vị, nhưng không khôn ngoan lắm khi lồng ghép lợi ích tư bản vào cơ chế giải thưởng. Vì giả dụ bạn là một trong ba cặp đôi đó, liệu khi biết mình có cơ hội thắng giải 10.000 USD, bạn có muốn tìm đủ mọi cách giành lấy nó dù phải chịu đựng một chút cái người mà dù sao cũng vẫn đang là người yêu mình không? Trừ khi sức chịu đựng đã vượt giới hạn quá rồi, trừ khi đột nhiên người yêu bạn biến thành một kẻ thô lỗ, xấu tính vô duyên hết thuốc chữa đến mức bạn muốn bỏ chạy giữa thử thách cho xong, tôi không nghĩ việc ngậm bồ hòn làm ngọt vì sức hấp dẫn của giải thưởng cuối cùng là điều gì đó quá tệ hại. Hotwire có lẽ nên xem xét lại cách thức khác nếu muốn duy trì chiến dịch của mình, nhưng nhờ vậy chúng ta mới hiểu những chuyến đi thực sự sức mạnh đó. Hoặc gắn kết những người yêu nhau, hoặc khiến họ nhận ra những điểm không tương thích để tìm ra hướng giải quyết. Thoả hiệp là một cách. Chấp nhận đối phương khi họ là chính mình là một cách. Ngược lại cũng là một cách.
Nhưng trước tiên, hãy cứ đi du lịch cùng nhau cái đã.
Bài: Vân Anh
Ảnh: Tổng hợp