Nét lạc quan trong từng tác phẩm của họa sĩ Anbecks
InterviewLifestyleArts & CulturePop

Nét lạc quan trong từng tác phẩm của họa sĩ Anbecks

Họa sĩ Anbecks Thái Hà An lớn lên trong môi trường nghệ thuật khi có mẹ là họa sĩ và bố là nhà văn. Bản thân anh cũng đã sớm bộc lộ năng khiếu về hội họa từ nhỏ. Những tưởng, tương lai của Anbecks sẽ chỉ là một con đường thẳng nối nghiệp truyền thống gia đình, nhưng thực tế, anh phải mất rất nhiều năm, anh mới có đủ dũng khí để sống với đam mê của chính mình.

Khi một người được đặt vào đúng vị trí, họ sẽ lập tức tỏa sáng. Các tác phẩm tranh biếm họa của Anbecks lập tức được cư dân mạng Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Bởi lẽ, chúng toát lên một thứ năng lượng lạc quan trong trẻo giữa thời điểm mà có quá nhiều thứ đen tối bủa vây.

Xin chào anh Anbecks, ở thời điểm nào của cuộc đời, anh nhận ra mình muốn theo đuổi đam mê nghệ thuật và phải đến thời điểm nào thì anh mới thực sự làm thế?

 

Xin chào Men’s Folio. Để nói về niềm đam mê và yêu thích nghệ thuật thì mình đã thích vẽ từ khi còn nhỏ. Có thể vì mẹ là họa sĩ nên mình được tiếp xúc và cũng được hưởng một chút gen di truyền của mẹ. Trước đây nghệ thuật với mình như là một sở thích, một niềm vui. Mình vẽ theo một cách khá bản năng, để thỏa mãn trí tưởng tượng cũng như cảm xúc. Thực sự là chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Khi trở về Việt Nam sau gần 20 năm ở nước ngoài, mình nhận ra cuộc sống có rất nhiều điều thú vị mà mình không để ý tới. Tại sao mình lại không thử một lần sống với đam mê của bản thân để sau này không phải tiếc nuối. Đó chính là bước ngoặt để mình trở thành một họa sĩ digital chuyên nghiệp.

Anh có từng hối tiếc rằng bản thân đã để phí quá nhiều thời gian mà không làm điều mình thích không?

Thực tế đôi khi mình cũng ước có thể bắt đầu công việc này sớm hơn một chút vì càng vẽ mình càng thấy có quá nhiều điều hay để học hỏi, hoàn thiện cũng như rất nhiều thứ thú  vị để vẽ mà một ngày với mình đôi khi là không đủ. Nhưng khách quan mà nói quãng thời gian kinh doanh trước đó cũng mang đến cho mình rất nhiều trải nghiệm và những góc nhìn, cảm nhận đa chiều và sâu sắc hơn về cuộc sống mà khi còn trẻ mình sẽ khó có được.

Chân dung biếm hoạ của Đen Vâu
Chân dung biếm hoạ mà Anbecks tự vẽ chính mình...
Anh miêu tả phong cách của bản thân như thế nào và quá trình để anh tìm ra nó.

Mình nghĩ phong cách khởi nguồn từ tính cách. Mình là người thích sự vui vẻ, tích cực và luôn muốn mang lại tiếng cười cho mọi người xung quanh. Từ những ngày còn đi học mình đã hay vẽ biếm họa các bạn cùng lớp. Mình cũng là một người yêu thích hoạt hình, truyện tranh từ nhỏ, mình thấy những tạo hình trong đó rất dễ thương, đáng yêu. Nên phong cách của mình là sự kết hợp của Biếm họa và Hoạt hình. Theo thời gian, mình vừa vẽ vừa bổ sung, hoàn thiện những kỹ năng, kiến thức về giải phẫu, bố cục, ánh sáng.. sao cho những tác phẩm ngày một sinh động, thú vị mà vẫn truyền tải được các thông điệp tích cực.

Chân dung chàng họa sĩ điển trai Anbecks

Cảm hứng các tác phẩm của anh thường đến từ đâu?

Thế giới quanh chúng ta rất nhiều màu sắc. Mọi sự vật, sự việc, con người xung quanh nếu chúng ta nhìn với con mắt tích cực, lạc quan thì đó luôn là những chủ đề tiềm ẩn đầy ý nghĩa. Mình cũng thường lấy cảm hứng từ những chủ đề thời sự được mọi người quan tâm. Mục đích thì đôi khi là để nhân rộng hay chia sẻ những tấm gương người tốt việc tốt, có lúc thì là sự sâu lắng về tình cảm gia đình, cũng có lúc mình muốn thổi bùng lên niềm tự hào dân tộc, tình đoàn kết của người Việt Nam như trong đại dịch vừa rồi.

Bức hoạ "Bộ đội vác gạo" của Anbecks
Bức hoạ "Con ráng đợi ba nha" của Anbecks
Bức hoạ "Ranh giới sinh tử" của Anbecks
Quá trình xây dựng của một tác phẩm của anh diễn ra như thế nào?

Thông thường mỗi tác phẩm có 3 bước:

Bước 1 là bước phân tích. Mình sẽ cố gắng cảm nhận, xây dựng cảm xúc một cách đầy đủ nhất về nhân vật hoặc sự việc. Cùng với đó là mình cố gắng nắm bắt nét đặc trưng của mỗi nhân vật.

Bước 2 là phác thảo, dựng hình. Tùy theo cảm xúc, chủ đề và thông điệp thì mình sẽ chọn bố cục, ánh sáng, màu sắc cũng như tạo hình của nhân vật phù hợp để sao cho hiệu quả truyền tải được cao nhất.

Bước 3 là hoàn thiện tác phẩm. Mình là một người khá cầu toàn và hơi khó tính nên phần này cũng mất khá nhiều thời gian vì đôi khi những chi tiết nhỏ trong tác phẩm nhưng lại chính là những điểm nhấn mang lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho người xem.

Đâu là bức tranh biếm họa/ hoạt hình đầu tiên mà anh vẽ về một sự kiện xã hội. Đó là gì?

Có lẽ là bức tranh “Uống trà sữa kết nghĩa vườn đào”. Hồi đó mình vẽ bức tranh này với ý nghĩa lan tỏa, kêu gọi mọi người không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Mình vẽ theo phong cách hài hước, ba anh em Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào bằng ba ly trà sữa trân châu thay vì chén rượu. Xa xa thì có mấy chú công an giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn….

Điều đặc biệt trong tranh của anh đó là tuy các nhân vật được cường điệu nhưng chỉ cần nhìn qua, độc giả cũng đã có thể nhận ra ngay đó là ai. Vậy anh thường tập trung khắc họa đặc điểm nào để có thể truyền tải trọn vẹn thần thái của mỗi người?

Mỗi nhân vật đều có những nét đặc trưng riêng. Có người nằm ở biểu cảm khuôn mặt, như ở khóe miệng cười, đôi khi là ánh mắt, lông mày… một số nhân vật khác đặc trưng lại nằm ở dáng người hoặc một cử chỉ rất riêng nào đó. Bước phân tích nhân vật rất quan trọng vì nếu mình bắt đúng thần thái thì những bước sau vẽ rất nhanh và thuận lợi. Nhưng cũng không ít lần mình vẽ gần xong nhưng cũng không ưng và tất nhiên mình sẽ phải quay về bước 1 để phân tích lại từ đầu. Bởi vậy nên thời gian hoàn thành mỗi bức tranh cũng rất khác nhau, đôi khi một vài tiếng, cũng có lúc hàng tuần.

Trong các tác phẩm mà anh từng vẽ, đâu là tác phẩm đáng nhớ nhất. Vì sao?

Tác phẩm “Con ráng đợi ba nha” có lẽ là một trong những tác phẩm để lại cho mình nhiều ấn tượng và kỷ niệm nhất. Mình vẽ bức tranh này với một cảm xúc rất mạnh trước câu chuyện xúc động của người cha cố gắng cứu con. Mình rất bất ngờ vì sau khi đăng lên bức tranh nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của mọi người. Dưới bức tranh còn là rất nhiều bình luận, tâm sự của các bạn về những câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, ruột thịt.

Bức hoạ “Con ráng đợi ba nha” vô cùng “viral” ở thời điểm cách ly toàn xã hội tại Hồ Chí Minh vào giữa năm 2021

Khi nghĩ tới tranh biếm họa, tôi thường nhớ đến những tiếng cười trào phúng chua cay về các tệ nạn xã hội, nhưng những bức tranh của anh luôn rất lạc quan dù cho sự việc mà chúng truyền tải lại rất buồn. Phải chăng điều đó một phần phản ánh tính cách thật của anh, một con người luôn có cái nhìn tươi sáng cho mọi vấn đề?

Có lẽ đúng như mình đã chia sẻ, mình luôn hướng tới điều lạc quan, tích cực trong cuộc sống. Ai trong chúng ta cũng sẽ trải qua những lúc không thuận lợi, trắc trở. Nhưng nếu chúng ta lùi lại và thay đổi góc nhìn một chút, đôi khi ta nhận ra những khó khăn đó lại chính là cơ hội, là động lực để ta vươn lên, mạnh mẽ hơn để vượt qua. Nên mình cũng thiên về khắc họa những mặt tươi sáng, tích cực trong các tác phẩm.

Ai là nhà nghệ thuật gia mà anh thần tượng?

Người hoạ sĩ mình thần tượng cũng như ảnh hưởng lớn đến phong cách của mình là bác Fujiko F. Fujio – cha đẻ của chú mèo máy Doraemon. Từ bé mình đã rất thích bộ truyện tranh này vì những nét vẽ rất đơn giản nhưng lại có tính biểu đạt cảm xúc cực lớn. Mình cũng thật may mắn vì đã được gặp bác khi bác đến thăm Việt Nam.

Một trong những tranh cãi rất nổi tiếng là liệu nghệ thuật là vì cộng đồng hay làm nghệ thuật để thỏa mãn cái tôi nghệ sỹ của mình. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Với cá nhân mình nghệ thuật trước hết phải thoả mãn được cảm xúc của người nghệ sĩ. Các tác phẩm là nơi người nghệ sĩ truyền tải, gửi gắm những suy nghĩ,cảm nhận về sự vật, sự việc xung quanh. Nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ sẽ không thể tạo nên những tác phẩm đẹp và có chiều sâu. Nhưng những tác phẩm đẹp đó cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không mang lại đóng góp cho xã hội. Vì vậy mỗi tác phẩm của mình đểu khởi nguồn từ cảm xúc cá nhân và mục đích là lan tỏa, đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Đã vào những ngày cuối của năm 2021, xin chúc Anbecks một năm mới rực rỡ và bình an. Vậy trong tương lai, chúng tôi có thể hội ngộ anh trong các dự án nào?

Tương lai mình muốn hướng tới những dự án dành cho thiếu nhi. Trong đó có mảng phim hoạt hình đặc biệt là hoạt hình về lịch sử, văn hoá truyền thống Việt Nam. Ngoài ra mình cũng sẽ phát triển thêm về mảng giáo dục và đào tạo. Mình cũng mong muốn sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu thích vẽ, yêu thích nghệ thuật giống như mình.

Bài: Khánh An
Ảnh: NVCC

 

 

Related Article