Sau thành công đầy tiếng vang của mùa 1, Rap Việt mùa 2 đã quay trở lại, nhưng bên cạnh đánh giá về tính hấp dẫn sụt giảm, chương trình cũng đang đối mặt với hàng loạt nghi án đạo nhái.
Phần hình ảnh luôn là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược xây dựng một bản sắc riêng của bất cứ chương trình truyền hình nào, nhất là với một chương trình đầy danh tiếng và được công chúng đón nhận như Rap Việt. Sau thành công vang dội của mùa 1, Rap Việt được coi là đã vượt khỏi sân chơi giải trí đơn thuần để phát hiện và phát triển những tài năng trẻ Việt Nam của dòng nhạc Hip Hop. Mùa 2 khi bắt đầu lên sóng vào tháng 10 vì thế cũng nhận được nhiều sự chú ý, trông ngóng của người yêu âm nhạc Việt. Tuy nhiên, trong khi nhiều khán giả bày tỏ sự hụt hẫng khi đã đến tập 3 mà vẫn còn rất ít phần trình diễn ấn tượng hay gương mặt nổi bật, thì 2 ngày vừa qua, Rap Việt lại “gây sốt” vì liên tiếp bị những tên tuổi trong ngành công nghiệp sáng tạo đồ họa chỉ ra nhiều nghi án đạo nhái.
Tối 5/11, Nghệ sĩ, nhà thiết kế 3D Vicki Đặng, người có nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo hình ảnh tại Việt Nam và Thượng Hải đăng tải thông tin cho rằng BTC Rap Việt Mùa 2 sử dụng 100% sản phẩm sáng tạo của nhà thiết kế người Trung Quốc @niehuizheng cho poster chính thức của chương trình. Theo Vicki Đặng, sản phẩm gốc chỉ được chỉnh sửa qua loa, minh chứng là hai bức hình có sự tương đồng rõ rệt, đồng thời tăng sự xác thực khi dẫn link đến bức ảnh gốc.
Trong khi vẫn chưa có câu trả lời hay phản hồi chính thức nào từ phía ban tổ chức Rap Việt, nghệ sĩ hình ảnh/Giám đốc sáng tạo Fxevo tiếp tục đưa ra những bằng chứng đạo nhái của Rap Việt với sản phẩm của nghệ sĩ Jaime H. Jasso. Hình ảnh poster giới thiệu thí sinh đang nhận được nhiều sự chú ý Blacka được cho rằng sao chép gần như toàn bộ, thậm chí còn không xóa logo trên tấm hình gốc.
Được biết, Jaime H. Jasso là một họa sĩ digital danh tiếng ở Mỹ, chuyên về cảnh quan đô thị trong thế giới khoa học viễn tưởng và đã từng làm việc với những công ty VFX hàng đầu thế giới như Industrial & Magic. Anh đồng thời cũng là Giám đốc phát triển hình ảnh của hãng game và giải trí Tencent Games, nhà sáng lập CGPreceptor – một học viện đào tạo họa sĩ CGI ở Los Angeles (California, Mỹ).
Họa sĩ này đã ngay lập tức phản hồi chi tiết về tác phẩm của mình: thuộc series Masterclass của CGPreceptor được thực hiện hoàn toàn bằng 3D, và bản quyền chỉ thuộc về riêng Jaime và CGPreceptor. Anh đồng thời khẳng định BTC Rap Việt chưa từng liên hệ để mua bản quyền cho việc sử dụng hình ảnh này.
Những poster thí sinh khác cũng cho thấy hình ảnh chiếc mặt nạ được “sao chép” nguyên văn từ mẫu thiết kế khẩu trang với đèn RGB thuộc Project Hazel của nhà sản xuất phần cứng nổi tiếng Razer có trụ sở ở California, một minh chứng rõ rệt của việc toàn bộ hình ảnh chương trình Rap Việt mùa này không chỉ lấy sản phẩm sáng tạo của không chỉ một mà còn là rất nhiều nghệ sĩ cũng như thương hiệu nước ngoài. Theo Giám đốc Sáng tạo Fxevo, đây mới chỉ là một số ví dụ, vẫn còn có rất nhiều dẫn chứng khác chứng minh được điều này.
Những sự cố “đạo nhái” trong giới sáng tạo đã không phải chuyện lạ, nhưng nghi án của Rap Việt trong những ngày gần đây lại thu hút sự chú ý và bình luận của những người làm trong ngành sáng tạo Việt Nam và quốc tế hơn cả, bởi đây không chỉ là một sản phẩm “lấy cảm hứng” theo cách nhiều người có thể vòng vo bàn cãi. Tất cả những bằng chứng được đưa ra đều cho thấy nét tương đồng gần như tuyệt đối, cùng với những chỉnh sửa kém chất lượng càng khiến cộng đồng cảm thấy phẫn nộ hơn.
Dĩ nhiên, thành công đến cùng áp lực, sau khoảng thời gian dài không thể ghi hình, chương trình Rap Việt rõ ràng muốn lên sóng càng sớm càng tốt để giải tỏa sự trông ngóng của người hâm mộ. Đồng thời, sau mùa 1, sức hút của Rap Việt đến cùng những hợp đồng quảng cáo lớn, những sự hợp tác và tài trợ truyền thông rầm rộ với thương hiệu nổi tiếng như Pepsi, Samsung, Jeep Việt Nam… Như vậy, không thể nói chương trình thiếu chi phí để đầu tư cho mặt hình ảnh, và bất ngờ hơn cả khi những thương hiệu tài trợ lớn như vậy có thể bỏ qua chi tiết quan trọng như việc tên của mình xuất hiện trên những tấm poster “đạo nhái”.
Một câu hỏi khác được đặt ra, là với một chương trình lớn như Rap Việt với hàng loạt dự án liên quan, một concert rầm rộ vào đầu năm nay… ai sẽ là người chịu trách nhiệm và ở mức độ nào với sự việc cóp nhặt này? Họa sĩ thiết kế hay Giám đốc Sáng tạo hình ảnh? Vì một sai sót thiếu chuyên nghiệp hay thái độ không trân trọng những sản phẩm và quá trình sáng tạo của nghệ sĩ khác?
Với một chương trình đề cao tính sáng tạo và sự nguyên bản của nghệ sĩ, đồng thời là sân chơi tìm kiếm những nghệ sĩ mới nổi trong thế giới âm nhạc nói chung và nghệ thuật nói riêng ở Việt Nam, sự việc này khiến nhiều người hoài nghi tâm thế thực sự của Rap Việt: cổ vũ sáng tạo nhưng lại cổ súy đạo nhái từ chính những tác phẩm của mình. Dù Rap Việt có phản hồi thế nào, đây vẫn sẽ là một trường hợp khiến giới sáng tạo phải suy nghĩ thận trọng và chuyên nghiệp hơn khi thực hiện các sản phẩm của mình.
Tinh thần sáng tạo của một chương trình là một thứ tinh thần chung, hợp nhất, có những chuẩn mực cụ thể, những nguyên tắc không thể phá bỏ. Nếu Rap Việt có thể phản tinh thần chung ấy để đạo nhái hình ảnh, thì không có lý do gì thí sinh không thể đạo nhái với âm nhạc của chính họ. Và đây là viễn cảnh sẽ chẳng khiến ai thích thú!