#MFOpinion: Trong thời trang, đa dạng thôi là chưa đủ!
StyleEditor's PickFeature

#MFOpinion: Trong thời trang, đa dạng thôi là chưa đủ!

Năm 2020, mặc cho những nguy hiểm tiềm tàng của dịch bệnh, cuộc biểu tình Black Lives Matter vẫn nổ ra đầy quyết liệt, vì những quyền lợi cho đến nay vẫn bị tước mất của người da màu. Cuộc đấu tranh tạo ra sức ảnh hưởng to lớn, nhờ tốc độ chóng mặt của mạng xã hội, đến mọi khía cạnh của xã hội. Và một lần nữa, mọi người bắt đầu nhìn lại câu chuyện đa dạng trong thời trang, một trong những ngành công nghiệp tiêu biểu trong vấn nạn phân biệt đối xử.

“Bảng thành tích” đa dạng của thời trang

Nếu thế kỉ 20 là thời đại của quyền lực cứng – sức mạnh dựa trên tiềm lực quân sự, được đánh dấu bởi gần nửa thế kỉ tranh chấp thế lực giữa Mỹ và Liên Xô, thì bước vào thế kỉ 21, thế giới đang sống trong một thời đại hoàn toàn mới của quyền lực mềm – sức mạnh xuất phát từ văn hóa, quyền lợi và bình đẳng. Với sự giúp sức của mạng xã hội, thế giới hoàn toàn có thể quan sát và lên tiếng mặc cho sự ngăn cách về mặt địa lý. Điều tương tự cũng xảy ra với công cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng cho tất cả mọi người trên thế giới – người da màu, cộng đồng LGBT+, người ngoại cỡ, người khuyết tật…

Là một phần của xã hội, thời trang có trách nhiệm lắng nghe những mong cầu của khách hàng, phần lớn nằm trong những nhóm xã hội kể trên hoặc hoặc các nhóm ủng hộ. Và dù bắt đầu thay đổi khá chậm trễ, thời trang của thập kỷ 2010-2020 chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong việc đưa tính đa dạng (diversity) của thời trang vào sàn diễn, bộ ảnh quảng cáo hay trang bìa tạp chí. Theo thống kê của Fashion Spot, mùa Xuân 2020 và mùa Thu 2021 là hai mùa sàn diễn thời trang đa dạng nhất từ trước đến nay, với lần lượt 41.5% và 43% các người mẫu góp mặt là người da màu.

Đặc biệt, dù tổ chức ít show diễn và các buổi casting hơn, mùa Thu 2021 lại sở hữu tỉ lệ người mẫu da màu cao nhất. Đối với người mẫu ngoại cỡ, độ tuổi trên 50 và giới tính thứ ba, dù mùa Thu 2021 sở hữu những con số không quá khả quan, giai đoạn từ mùa Xuân 2019 đến mùa Thu 2020 lại là giai đoạn cho thấy số lượng cao nhất của ba nhóm người mẫu này: có 86 người mẫu ngoại cỡ mùa Xuân năm 2020, 91 người mẫu giới tính thứ ba mùa Xuân năm 2019 và 44 người mẫu trên 50 tuổi mùa Thu 2020.

Và đặc biệt hơn, giai đoạn này chứng kiến hàng loạt những sự kiện đình đám, thay đổi cục diện của giới người mẫu thời trang. Người mẫu Lưu Văn trở thành gương mặt Châu Á đầu tiên của thương hiệu Estée Lauder năm 2010; Olivier Rousteing trở thành nhà thiết kế gốc Châu Phi đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo tại thương hiệu cao cấp Balmain năm 2011, tạo tiền đề cho sự kiện bổ nhiệm Virgil Abloh cho vị trí Giám đốc Sáng tạo tại Louis Vuitton năm 2018.

Lưu Văn
Virgil Abloh
Olivier Rousteing

Hay phải kể đến Andreja Pejić và Lea T, nhà tiên phong trong cuộc cách mạng giới tính người mẫu thời trang năm 2013, mở đường cho sự hiện diện của người mẫu chuyển giới; màn trình diễn đầu tay năm 2014 của thương hiệu Chromat gây chấn động với dàn người mẫu đa dạng kích cỡ, dáng người, giới tính và khả năng. Và những cột mốc đáng nhớ khác như Edward Enninful trở thành Tổng biên tập tại Vogue Anh năm 2017, bộ sưu tập Weeksville của Pyer Moss và Tyler Mitchell trở thành nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Phi đầu tiên thực hiện bộ ảnh bìa Vogue năm 2018, hay nữ ca sĩ Rihanna thành lập thương hiệu Fenty cùng tập đoàn LVMH năm 2019… cũng đã góp phần không nhỏ trong việc đưa ngày càng nhiều gương mặt đến từ khắp các chủng tộc, giới tính, độ tuổi và dáng người đại diện cho ngành thời trang xa hoa.

Andreja Pejić
Edward Enninful
Lea T
Tyler Mitchell
Rihanna

Nhưng chỉ là thành tích bề mặt?

Nhìn vào những cột mốc và số liệu đã qua, ngành thời trang hoàn toàn có thể tự hào về những thành tựu trong việc đa dạng hóa các cá thể đóng góp cho lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng như thực trạng đang diễn ra trong xã hội, bình đẳng và quyền lợi dành cho những nhóm người thiểu số, điển hình là người da màu, vẫn chưa thực sự được đảm bảo. Dù có được tỉ lệ đa dạng ngày càng cao trên các bộ ảnh, bìa báo và sàn diễn thời trang, nhiều bài viết về thực trạng không như mơ bên trong các công ty, tổ chức thời trang vẫn xuất hiện nhan nhản trên các trang báo trong lẫn ngoài lĩnh vực thời trang.

Nhiều cuộc phỏng vấn cùng các cá nhân da màu đang làm việc trong ngành đã được thực hiện, đem đến một bức tranh toàn diện còn nhiều trăn trở về văn hóa làm việc không mấy ủng hộ người da màu. Những phản ánh này được thể hiện rõ rệt qua lời kể của Somriddho Dasgupta, nam người mẫu gốc Ấn 20 tuổi hiện đang sinh sống tại Anh, trên một bài viết của trang thông tin Al Jazeera vào tháng 2/2021. Anh kể về trải nghiệm từ phấn khích đến hụt hẫng sau khi nhận được lời mời làm mẫu ảnh cho một thương hiệu mới thành lập và nhận ra họ chỉ đang cố lợi dụng anh để “đa dạng hóa” hình ảnh thương hiệu vốn tràn ngập người mẫu da trắng.

Khi nhắc về trải nghiệm ấy, anh đã miêu tả bằng cụm từ “mất nhân tính” (dehumanising). Cùng với đó là cảm giác thất vọng khi bị bắt buộc mặc bộ trang phục theo định kiến dành cho người Ấn Độ – đôi dép hở ngón và phong cách trang điểm khiến anh trông như đang đổ mồ hôi – tại một buổi chụp ảnh quảng cáo cho ngân hàng. Hay trong một bài khảo sát của công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company cho PVH Corp và Hội đồng CFDA (Council of Fashion Designers of America), với hơn 1000 nhân viên từ 41 công ty thời trang và 3 nhóm tập trung gồm các học sinh thời trang và nhà thiết kế trẻ, có 15% người tham gia, 25% trong số đó là người da màu, cho rằng người da màu đang bị đánh giá bằng tiêu chuẩn riêng. Cũng tại buổi khảo sát ấy, có 23% người tham gia báo cáo đã từng chứng kiến các hành vi phân biệt tại môi trường họ công tác, tùy theo tần suất từ liên tục đến thỉnh thoảng xảy ra.

Không chỉ ở những cá nhân trẻ tuổi của lĩnh vực thời trang, nhiều nhân vật da màu có tầm ảnh hưởng lớn hoặc kinh nghiệm làm việc vững chắc cũng từng có nhiều phân trần về hoàn cảnh khác biệt mà người da màu phải bị áp đặt khi làm việc trong lĩnh vực khắc nghiệt này. Năm 2018, báo thời trang The Cut đã thực hiện một cuộc khảo sát với 100 nhân vật da màu ở khắp ngành nghề, bao gồm những tên tuổi nổi bật như Antoine Philips – Phó Chủ tịch mảng Thương hiệu & Văn hóa của Gucci, Virgil Abloh – Giám đốc Sáng tạo của Louis Vuitton, và Corey Stokes – Giám đốc Thời trang của tạp chí Highsnobiety. Mỗi người tham gia đều có những câu chuyện và trải nghiệm riêng về vấn đề phân biệt đối xử và thực trạng người da màu tại môi trường thời trang, từ có chút quan ngại cho đến cực kỳ phẫn nộ.

Trong đó, Corey Stokes đã bày tỏ góc nhìn của mình về xu hướng thiên vị dành cho người da trắng: “Có rất nhiều nhà sáng tạo da màu ngoài kia có thể làm mọi thứ, theo mọi phong cách và gu thẩm mỹ mà bạn yêu cầu. Một năm vừa qua (2018), người da màu đã dần chứng minh sự hiện diện ngày càng đa dạng của mình, nhưng chúng tôi vẫn luôn bị xem là “một màu”. Tôi có nhiều người bạn da trắng có sự nghiệp đi lên rất trơn tru, nhưng ai có thể nhận xét được liệu công việc của họ ấn tượng hơn. Một điều mà tất cả chúng ta phải thừa nhận là họ luôn được nhìn nhận trước tiên vì là người da trắng.” Thậm chí, cũng trong bài khảo sát của The Cut, tác giả của bài viết đã miêu tả lại sự cố của một người da màu bị hủy buổi chụp ảnh bìa vì lý do không có đội nhóm trang điểm đủ trình độ xử lý chất tóc của người da màu.

Thời trang thích ứng, dù là thị trường được đánh giá có thể đạt mức doanh thu 400 tỷ USD đến 2026, vẫn bị bỏ ngõ bởi nhiều thương hiệu lớn. Đặc biệt, chưa có một thương hiệu xa xỉ nào chính thức bắt tay thiết kế cho người khuyết tật. Ngoại trừ Tommy Hilfiger và Nike, các thương hiệu thời trang thích ứng vẫn chỉ là các  thương hiệu tầm trung ở quy mô nhỏ, một tỉ lệ rất nhỏ trong thị trường thời trang đại chúng rộng lớn.

Bộ ảnh 'Pool Rules' cho bộ sưu tập Chromat Swimwear 2018
Bộ ảnh 'Pool Rules' cho bộ sưu tập Chromat Swimwear 2018
Bộ ảnh 'Pool Rules' cho bộ sưu tập Chromat Swimwear 2018

Dù những tên tuổi như Jillian Mercado hay Aaron Phillip và nhiều người mẫu khác góp công không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh người khuyết tật trong thời trang, những nhân tố phía sau hậu trường như nhà văn Madison Lawson, cây viết quen thuộc cho nhiều trang báo thời trang như Vogue và Allure, vẫn chưa thể tìm thấy tiếng nói chung với cộng đồng.

Madison Lawson

Ariel Nicholson có lẽ là niềm vinh hạnh mới cho cộng đồng LBGTQ+ với tư cách là người mẫu chuyển giới đầu tiên xuất hiện trên bìa Vogue vào tháng 9/2021, mùa Thu 2021 lại cho thấy sự giảm sút đáng kể về sự đa dạng giới tính trên các sàn diễn. Theo Fashion Spot, các sàn diễn mùa Thu 2021 chỉ có 12 người mẫu chuyện giới/phi nhị giới tất cả, chiếm 0.73% trên tổng số người mẫu tham gia. Xu hướng giảm bắt đầu từ mùa Thu 2020 với 21 người mẫu đến mùa Xuân 2021 thì chỉ còn 20.

Ariel Nicholson (áo xanh góc trái) là một trong những đại diện góp mặt trên trang bìa Vogue tháng 9/2021, tôn vinh sự đa dạng của thời trang.

Ngoài ra, dù các thương hiệu và công ty người mẫu ngày càng tích cực hơn trong việc tuyển dụng người mẫu chuyên giới/phi nhị giới, môi trường làm việc kiểu cũ phân biệt nam-nữ vẫn là một vấn đề nhức nhối, khiến các người mẫu này trong tình thế khó xử. Trả lời phỏng vấn cho WWD vào tháng 10/2020, công ty quản lý người mẫu Jordan Morris cũng bày tỏ trăn trở về hạn chế này, khi phải xếp một người mẫu nữ chuyển giới và người mẫu nam phi giới tính vào danh sách nam.

Đối với nhóm người có ngoại hình ngoại cỡ, nhiều thương hiệu nổi bật như Nettle Studios, Wray và ASOS dù đã nỗ lực phát triển nhiều dòng quần áo ngoại cỡ, các thương hiệu cao cấp hay nhà mốt vẫn không có nhiều tiến triển. Thậm chí, các người mẫu ngoại cỡ phải có hình thể “theo đúng tiêu chuẩn riêng”, qua lời kể của nữ influencer Stephanie Yeboah. “Người mẫu ngoại cỡ trong mắt các nhãn hàng thực chất là người mẫu cỡ trung… Và bạn phải đảm bảo tỉ lệ cơ thể cân đối, phần eo phải nhỏ hơn hông từ 9-11 inch…” Một mặt, các nhãn hàng ráo riết tìm kiếm các gương mặt mới để đề cao tính đa dạng; mặt khác, chính họ là người lún sâu vào vấn nạn phân biệt đối xử hình thế qua những tiêu chuẩn rút ra từ thị hiếu chung về cái đẹp.

Thời trang đa dạng rồi, nhưng bao hàm chưa?

Naomi Campbell từng phát biểu tại hội thảo Wall Street Journal năm 2019: “Sự đa dạng cần được đào sâu tận gốc… Chúng tôi muốn nhìn thấy ở các công ty thực tế, trong các văn phòng, rằng bạn có sẵn sàng sở hữu một đội ngũ nhân viên đa dạng sắc tộc, cho họ tiếng nói trong những dự án của tổ chức?… Ngay cả những công việc trên bàn giấy, chúng tôi cũng cần có sự đa dạng.” Rõ ràng, thời trang đang từng ngày tiến tới sự đa dạng trên những hình ảnh quảng bá bên ngoài, nhưng đó chỉ là những thay đổi mang tính bề mặt. Điều mà những cộng đồng thiểu số cần, đặc biệt sau cuộc biểu tình Black Lives Matter năm 2020, chính là sự hiện diện đa dạng của bộ máy đồ sộ phía sau. Hay nói cách khác, những gì mà thời trang còn thiếu chính là “sự bao hàm” (inclusivity).

Nguồn: This Magazine

Sự bao hàm tất cả các sắc tộc, giới tính, độ tuổi và ngoại hình để trở thành một cộng đồng gắn kết vì mục tiêu chung – nét đẹp tự do, phá vỡ giới hạn. Dù trong hai năm 2017-2018, chúng ta được thấy sự tiến triển vượt bậc của thời trang về yếu tố bao hàm các sắc tộc qua hai sự kiện cột mốc của Edward Enninful và Virgil Abloh, chừng ấy vẫn là chưa đủ cho toàn bộ lĩnh vực thời trang trên thế giới. Không chỉ đơn thuần giới thiệu những gương mặt thiểu số một cách hời hợt, các tổ chức và công ty thời trang còn phải có trách nhiệm xây dựng một nền tảng hạ tầng vững chắc, nơi mà những nhóm người thiểu số được thừa hưởng quyền lợi một cách công bằng và toàn diện. Để từ đó, họ được phát triển trong một môi trường lành mạnh, không phân biệt, và được thể hiện tiếng nói của mình ở nhiều cấp độ.

Nguồn: FASHION Magazine

Dù là một lĩnh vực đậm tính sáng tạo và đi ngược với khuôn khổ, thời trang vẫn chưa thực sự vận hành đúng với bản chất mà mình được sinh ra. Đây là một điều có thể hiểu được, vì suy cho cùng, ngày nay, thời trang không còn là sáng tạo đơn thuần, mà là một mảng kinh doanh sinh lợi nhuận đáng kể. Chính vì thế, những gì thời trang theo đuổi dần bị phụ thuộc nhiều hơn vào xu hướng chung của xã hội, vốn vẫn còn tồn đọng rất nhiều bất cập trong vấn đề đẩy mạnh tính đa dạng và bao hàm của nhiều nhóm người.

Nguồn: PERFECT NUMBER Mag

Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng sự phụ thuộc này để thay đổi thời trang, với tư cách là một khách hàng. Một khách hàng cẩn trọng với sản phẩm mình đang mặc, có ý thức rõ ràng với văn hóa làm việc của thương hiệu mình sử dụng và không ngừng lên tiếng cho những nhân tài xứng đáng có thể chỉ khiến một tổ chức phải suy nghĩ, và nhiều người khách như vậy sẽ khiến họ thay đổi. Do đó, đừng từ bỏ một khả năng nào để cất lên tiếng nói của mình, vì nỗ lực đồng thời của mỗi người cũng có thể tạo nên sức ảnh hưởng cộng dồn mạnh mẽ. Và lời cuối, xin được trích lời Vernā Myers, nhà hoạt động Hoa Kỳ nổi tiếng trong công cuộc đẩy mạnh sự đa dạng và tính bao hàm cho xã hội:

Diversity is being invited to the party. Inclusion is being asked to dance.

(Tạm dịch: Được mời đến buổi tiệc, đó là đa dạng. Nhưng được nhận lời mời cùng khiêu vũ, thế mới là bao hàm.)

Bài viết thuộc ấn phẩm MF#6 – The Moving Forward Issue. Tham khảo và đặt ấn phẩm tại ĐÂY.

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

Nguồn tham khảo: Luxiders, McKinsey & Company, Al Jazeera, The Cut, Vogue, Fashion Spot
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article