Triển lãm “Urban Layers”: Sài Gòn luôn trẻ như nghệ thuật đường phố
Arts & CultureLifestyle

Triển lãm “Urban Layers”: Sài Gòn luôn trẻ như nghệ thuật đường phố

Từ ngày 2-12/11/2021, triển lãm nghệ thuật đường phố “Urban Layers”, được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Wallovers, sẽ chính thức diễn ra tại địa chỉ 62 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TPHCM. Triển lãm là sắc màu đô thị Sài Gòn tươi trẻ, qua góc nhìn nghệ thuật đương đại của những cái tên tài năng như Zkhoa, Cresk và Daes.

Về triển lãm Urban Layers

Triển lãm “Urban Layers” được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Wallovers; kể về câu chuyện của phố thị Sài Gòn bằng ngôn ngữ nghệ thuật bởi những người trẻ đương đại. Rời bỏ bức tranh tổng thể, Wallovers muốn đem đến nhiều hơn về góc nhìn cá nhân đối với thành phố nơi họ sống. Các nghệ sĩ không muốn bó buộc bản thân ở tầm nhìn bao quát mà muốn tập trung hơn trải nghiệm của chính mình, từ đó kết nối và đại diện cho những gì họ thực sự cảm nhận. Wallovers bao gồm ba nghệ sĩ chính: Zkhoa (Trang Nhơn Khoa), Cresk (Nguyễn Tấn Lực) và Daes (Lưu Đoàn Duy Linh). Trong triển lãm lần này, ngoài những thành viên sáng lập của Wallovers còn có Deska (Phạm Thành Nguyên) sẽ cùng thực hành một số tác phẩm với tư cách nghệ sĩ khách mời.

“Urban Layers” (tạm dịch: Lát cắt thành thị) là một cuộc dạo chơi của những nghệ sĩ đường phố, lấy phương tiện thị giác để chuyển thể thành ngôn ngữ và kể về phố thị trong họ. Nếu như Zkhoa nhìn thấy những khía cạnh chân thật nhất của “rat race” (cuộc đua chuột) và sự truy đuổi không hồi kết của vật chất, mưu sinh để tồn tại thì Cresk chọn cho mình một biểu trưng con người, xoay quanh hình tượng người phụ nữ để chất vấn những ý niệm về tính nữ và biểu trưng của họ; đồng thời gài gắm những yếu tố mang xu hướng tôn giáo của người Việt đằng sau. Daes lại chọn cách bóc tách tuổi thơ, nhìn thành phố qua lớp kính văn hóa gắn liền với những điều khiến cho đứa trẻ trong anh mê mẩn: hình tượng Lân, Sư, Rồng ở một diện mạo đương đại mới.

Không gian triển lãm tái hiện những hiện thực xã hội; đồng thời giả định một thế giới không tưởng tổng hòa giữa giá trị cũ với sự phát triển của tương lai số. Việc phân tầng trong triển lãm nhằm tạo ra nhận thức khác biệt trong khung nhìn văn hóa chuyên biệt của từng nghệ sĩ; từ đó thông qua sự tương phản giữa hiện thực và phát triển tạo ra quang cảnh chuyển đổi cho tương lai trong mắt người trẻ. Wallovers đã ứng dụng việc chia mảng, tách lớp, phân rã từng thành phần phố thị để kể những câu chuyện có tính cá nhân hóa của họ.

Thực hành chính của Wallovers tại triển lãm “Urban Layers” là Graffiti kết hợp với công nghệ thực tế ảo AR. Xét về thực hành đầu tiên, Graffiti là một trong những loại hình nghệ thuật xuất phát từ đường phố với năng lượng mạnh mẽ và hỗn loạn. Công nghệ thực tế ảo (AR) là thực hành tiếp theo bên cạnh những chất liệu truyền thống mà Wallovers sử dụng. Sự chuyển đổi của công nghệ đã làm thay đổi cục diện nghệ thuật truyền thống dẫn đến những tranh cãi về tiện dụng và trải nghiệm thực của hai dạng nghệ thuật. Đối với Wallovers, họ mong muốn liên tục làm mới những chất liệu nghệ thuật trong những thực hành của mình, tái dựng một không gian mới cho các tác phẩm. Graffiti sẽ không còn bị giới hạn trên bề mặt truyền thống mà giờ đây được song hành bởi công nghệ để phản ánh những bối cảnh mới của xã hội, hướng đến sự chuyển đổi số trong nghệ thuật.

“Urban Layers” thực chất muốn đem lại một khung nhìn mới thông qua sự quen thuộc, bất luận quan điểm bạn như thế nào, vẫn có thể mở rộng cuộc hội thoại và thấy được tiềm năng khác của nghệ thuật đường phố với những thực hành nghiêm túc. Sự tổng hòa của yếu tố công nghệ và chất liệu truyền thống, sự bóc tách thành phố ở những góc độ cá nhân, sự tương phản giữa hai mặt trái đương đại, văn hóa – hối hả, hỗn loạn trong không gian triển lãm sẽ thể hiện những khác biệt xã hội và cuối cùng là thách thức đại chúng trong góc nhìn mới về một thành thị văn hóa trong mắt người trẻ.

Artist bio: Zkhoa

Zkhoa sinh năm 1995, là một nghệ sĩ trẻ đang sinh sống tại Sài Gòn. Hầu hết các thực hành của anh xoay quanh nghệ thuật đường phố, đặc biệt là Graffiti. Bên cạnh phát triển những dự án cá nhân, zkhoa còn là thành viên sáng lập nhóm Wallovers, một tập hợp những người trẻ cùng chung định hướng, mong muốn mang nghệ thuật đường phố rộng rãi đến đại chúng trong tương lai gần. Là người gốc Hoa, sinh ra và lớn lên tại quận 8, Sài Gòn; zkhoa đã nhìn thấy những khía cạnh văn hóa đặc trưng trong khu vực anh cư trú từ rất sớm. Tuy nhiên, không áp đặt góc nhìn tiêu cực, zkhoa chỉ phản ánh và sử dụng những điều này làm trung gian cho các cảm hứng nghệ thuật.

Mối quan tâm của zkhoa xoay quanh những diễn giải nội tâm và cuộc sống thường nhật. Các tác phẩm của anh xuất phát từ tư liệu đời thường, được đưa về các mảng hình và mảnh nhỏ rồi thay thế, biến đổi nó trở thành những phom dạng mới. Không dừng lại ở bề mặt truyền thống, anh giữ một sự yêu thích nhất định với Digital art và sử dụng chất liệu này như một công cụ khác để bày tỏ góc nhìn cá nhân.

Hầu hết các tác phẩm của zkhoa mang một đặc trưng chung về thị giác: chuyển hoá – phân mảnh – tái cấu tạo. Anh yêu thích bóc tách những khối vật thể, đưa nó về một cấu trúc mới và được anh gọi là mảng hình trung gian. Có hai loại mảng trung gian chính trong các tác phẩm của zkhoa: “hình vô cơ” và “hình hữu cơ”. Theo anh, những mảng hình trung gian này là cầu nối giữa cái “hiện diện chân thực” và “hiện diện ảo”, đi từ những sự thật có thể nhìn thấy, cảm nhận cho đến sự thật không thể nhìn thấy hay cảm nhận – “những mảng hình này là nguyên liệu quan trọng để tôi tái tạo lại thế giới của riêng mình. Tính chất cầu nối của nó có vai trò như số phức trong toán học”, trích lời zkhoa.

Zkhoa tin rằng việc sao chép tự nhiên không phải là công việc “tối thượng” của nghệ thuật mà góc nhìn của người nghệ sĩ mới là câu chuyện cần được để tâm. Đối với anh, một tác phẩm tốt cần có tính “đồng sáng tạo”; nó không kết thúc ngay sau khi người nghệ sĩ hoàn thành mà luôn biến đổi, âm ỉ, chết đi hoặc hồi sinh theo từng góc nhìn của mỗi người xem.

Các tác phẩm trong không gian triển lãm “Urban Layers” được phân tầng, tạo ra sự tương phản các khung nhìn văn hóa đậm tính cá nhân của từng nghệ sĩ. Đối với zkhoa trong triển lãm lần này, anh nhìn thấy những khía cạnh chân thực nhất của “rat race” (cuộc đua chuột), một sự truy đuổi không hồi kết của vật chất và mưu sinh để tồn tại. Anh kể về sự hối hả, hy vọng vào con số trước 4 giờ chiều. Một cuộc chạy đua khỏi “đáy xã hội” và những hiện thực có xu hướng bị chối bỏ: vấn đề vay nặng lãi, cờ bạc, rượu chè… Tuy nhiên, Zkhoa đã tổng hòa những khía cạnh tiêu cực, chuyển hóa nó thành cuộc phiêu lưu đầy màu sắc và một phần nguyên liệu của cái đẹp. Các nhân vật đại diện không chỉ xuất hiện và kể câu chuyện đường phố mà còn là nơi “nương náu” cho mỗi giai đoạn phát triển của zkhoa – chồng chéo, nhiều hỗn loạn.

Artist bio: Cresk

Cresk (Nguyễn Tấn Lực) sinh năm 1997, là một nghệ sĩ trẻ đang thực hành nghệ thuật tự do và là đồng sáng lập của nhóm nghệ sĩ Wallovers. Từng theo học chuyên ngành về Thiết kế đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và Văn Lang, Cresk vẫn chọn theo đuổi Graffiti và đưa nó trở thành thực hành chính của mình.

Nguồn cảm hứng của Cresk thường đi từ những điều dung dị nhất. Anh chắt lọc những sự thật luôn hiển lộ từ đời sống văn hóa và đưa nó vào các tác phẩm. Cách làm nghệ thuật của Cresk khá tỉ mẩn. Anh bóc tách những nguồn năng lượng tích cực qua những con người, sự việc, sự vật đã quan sát; sau đó xem xét, cuối cùng mới phản chiếu những điều đó vào thực hành mình.

Nằm cốt lõi trong những mối quan tâm của Cresk là hình tượng của người phụ nữ. Thông qua hình tượng này, anh chất vấn những ý niệm về tính nữ, tìm cách tái tạo lại những trải nghiệm cảm xúc đời thường của họ trong góc nhìn của mình. Người phụ nữ xuất hiện trong thế giới của Cresk không ủy mị mà trở thành trung tâm, không khuất dạng mà được tôn vinh bởi những “quyền năng” họ đang nắm giữ.

Trong triển lãm “Urban Layers”, các tác phẩm của Cresk lần nữa gợi lại góc nhìn và sự ngưỡng mộ của mình đối với người phụ nữ Việt. Hình tượng Á đông quen thuộc từ chiếc nón lá đến tà áo dài giờ đây được Cresk tái hiện ở hình thức mới; qua lăng kính của nghệ thuật đường phố lồng ghép những yếu tố tôn giáo. Trong mường tượng của mình, người phụ nữ của anh nổi bật và thoát khỏi những ý niệm, định kiến cũ. Người phụ nữ đã xuất hiện hoàn toàn tự chủ, không phụ thuộc và có quyết định đối với chính mình. Cô ta mang năng lượng của sự thay đổi, đồng thời được cấy ghép những niềm tin “tâm linh” khi có khả năng thực hiện những điều không thể.

Cresk thực hành những chất liệu khác nhau cho lần triển lãm này, bao gồm tác phẩm thị giác và sculpture. Các tác phẩm thị giác có xu hướng kể đến những trải nghiệm đắm chìm trong cảm xúc của người phụ nữ, mời gọi người xem di chuyển và nhìn vào tâm trí của họ. Đối với các tác phẩm sculpture, ý niệm người nữ xuất hiện táo bạo hơn khi mở rộng cuộc hội thoại về chính họ và hình hài văn hóa mới.

Artist bio: Daes

Daes (Lưu Đoàn Duy Linh) sinh năm 1995, hiện đang là thành viên của Wallovers với thực hành chính là Graffiti và Digital Art. Dù tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học, Daes quyết định rẽ hướng khi nhận ra đam mê đối với nghệ thuật của mình vẫn còn rất lớn. Tiếp tục theo học ngành Thiết kế đồ họa tại Arena Multimedia từ năm 2017, Daes chính thức thực hành nghệ thuật tự do toàn thời gian kể từ thời gian này.

Ngôn ngữ trong các tác phẩm thị giác của Daes có xu hướng mang màu sắc tươi sáng, tái hiện những cảm xúc tích cực, vui vẻ. Với điểm mạnh trong việc thiết kế nhân vật, anh có khả năng nhận diện và nắm bắt tốt những hình dạng, chức năng, đặc tính của đối tượng trong tự nhiên để tái tạo lại nó trong thế giới của mình. Sau những trải nghiệm với đa chất liệu, mối quan tâm của Daes dừng lại ở nghệ thuật đường phố và đặc biệt là Digital art bởi những đặc thù về màu sắc đa dạng có thể truyền tải suy nghĩ của anh.

Trong triển lãm “Urban Layers”, nếu zkhoa nhìn thấy những khía cạnh chân thật nhất của “rat race” (cuộc đua chuột), sự truy đuổi không hồi kết của vật chất để mưu sinh; Cresk chọn cho mình một biểu trưng con người, xoay quanh hình tượng người phụ nữ để chất vấn những ý niệm về tính nữ thì Daes lại chọn cách bóc tách tuổi thơ, nhìn thành phố qua lớp kính văn hóa gắn liền với những điều khiến cho đứa trẻ trong anh mê mẩn: hình tượng Lân, Sư, Rồng ở một diện mạo đương đại mới.

Dù đi ngược về tìm hiểu “lịch sử cá nhân”, chọn mở rộng đối thoại với bản thân trong quá khứ, Daes vẫn mang đến một hơi thở hiện đại cho nhân vật của mình. Gần gũi và mang tính cá nhân rõ nét đằng sau những biểu tượng văn hóa, những đại diện tinh hoa của quá khứ đã chuyển mình và đi vào đời sống văn hóa đương đại. Đối với anh, văn hóa không chỉ nên xoay quanh những phương pháp truyền thống hay chỉ dừng lại ở việc hoài niệm những giá trị cũ mà có thể dung hòa giữa truyền thống – đương đại để cùng nhau kiến tạo nên câu chuyện mới.

Artist bio: Deska

Nghệ sỹ khách mời đầu tiên trong triển lãm “Urban Layers” là Deska (Phạm Thành Nguyên), một trong những mảnh ghép cuối cùng của Wallovers. Anh tham gia Wallovers năm 2021 – thời gian các tác phẩm của triển lãm đã được hoàn thành nên đây là lí do vì sao anh là nghệ sỹ khách mời ở triển lãm lần này. Deska sinh năm 1997 tại Bà Rịa Vũng Tàu và hiện đang làm việc, sinh sống tại Sài Gòn.

Ám ảnh bởi tốc độ của sự phát triển và số hóa của đô thị, ngôn ngữ trong các tác phẩm thị giác của Deska phản ánh và miêu tả những mặt chân thực nhất của câu chuyện mà anh mắt thấy tai nghe. Xuất thân, sinh sống và là một khả thể của đường phố, Deska thường đan xen những chi tiết này vào những cuộc đối thoại với bản thân. Nghệ thuật của anh là giao điểm giữa việc tái hiện bản thân với thế giới anh sống.

Hầu hết các tác phẩm thị giác của Deska nổi bật trong cách tư duy về hình khối và phom dạng. Cho dù là chất liệu truyền thống hay chất liệu số (Digital art), anh đều thay đổi, biến dạng, phân tách những bề mặt có sẵn để trần thuật lại bằng hình dạng và ngôn ngữ thị giác của riêng mình.

Trong triển lãm “Urban Layers” lần này, Deska làm công việc của một người kể chuyện qua hình ảnh như thường lệ. Anh tái hiện lại câu chuyện của đời mình, đồng thời phối hợp với zkhoa tạo ra một nhịp thị giác đối lập với Cresk và Daes.

Đón xem chia sẻ của dàn nghệ sĩ Wallovers cho buổi triển lãm “Urban Layers”:

Tìm hiểu và đăng ký tham gia sự kiện tại: https://fb.me/e/KNh7LSB4

Men’s Folio Vietnam rất hân hạnh được đồng hành cùng triển lãm Urban Layers với tư cách đơn vị bảo trợ truyền thông.

 

Related Article