Cảm hứng của nhà điêu khắc Đỗ Hà Hoài đến từ những thứ dị biệt như chính các tác phẩm của anh. Đó là cái ngứa vì dị ứng bánh mì hay thậm chí là bản thân sự “tối kỵ”.
Nếu đã từng quá bước đến các không gian làm việc TOONG những tuần gần đây, bạn sẽ bắt gặp các tác phẩm điêu khắc rực rỡ được trưng bày trong các không gian này với cái tên cũng lạ không kém – Dị ứng. Tác giả của chúng chính là điêu khắc gia Đỗ Hà Hoài. 2021 đánh dấu sự kiện anh là điêu khắc gia đầu tiên có triển lãm cá nhân tổ chức tại Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật TP.HCM từ năm 2018, anh liên tục chứng minh bản thân qua các buổi triển lãm từ khi còn là sinh viên vào năm 2014.
Xin chào Hà Hoài, anh bắt đầu đam mê nghệ thuật từ khi nào và vì sao anh lại lựa chọn theo đuổi bộ môn điêu khắc?
Từ nhỏ, tôi đã thích chơi với đất sét và gỗ, nhưng tôi không hề biết đến sự tồn tại của ngành học điêu khắc. Khi tốt nghiệp lớp 12, tôi muốn chọn một ngành học nào mà không có các môn học toán, nên tôi chọn ngành có môn văn. Cái duyên dẫn dắt tôi tôi nộp vào đại học Mỹ Thuật TP.HCM và bắt đầu học điêu khắc từ năm 2012.
Một từ mô tả anh rõ nhất trong thực hành sáng tạo?
Ngứa.
Tôi đã có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm thuộc series “Dị ứng” của anh tại Toong. Vì sao lại là dị ứng?
Tác phẩm lấy cảm hứng từ triệu chứng ngứa của bản thân tôi vì dị ứng bánh mì. Từ đó, tôi đã liên hệ đến dị ứng về tâm sinh lý của xã hội, về mặt tích cực và tiêu cực đã tác động đến tôi và ngược lại. Tác phẩm mong muốn đưa đến thông điệp cho người xem, những sắc thái xã hội ảnh hưởng đến con người hiện nay và đặc biệt là giới trẻ trong thời đại 4.0.
Dị ứng cơ thể có nét đồng điệu với những phản ứng của bản thể – khi xúc cảm con người bị kích động và xâm lấn bởi luồng thông tin vũ bão trên mạng xã hội trực tuyến. Thông qua đó, tôi khắc họa những thương đau thông qua việc hữu hình hóa những vết thương bằng điêu khắc. Bằng cách sáng tác về sự dị ứng vật lý, tôi muốn lột tả được những cảm thức về sự dị ứng của thân thể tinh thần.
Tôi nhận thấy trong các tác phẩm của anh còn có sử dụng cả chất liệu Foam nở. Từ đâu mà anh nảy ra ý tưởng sử dụng nó?
Ý tưởng xuất phát trong quá trình nghiên cứu chất liệu vào chủ đề của tác phẩm dị ứng. Có rất nhiều chất liệu đang được tạo ra và hiện tại tôi đang dành nhiều thời gian nhất cho chất liệu foam nở.
Đối với tôi, foam là một loại chất liệu mang hai trạng thái: lỏng và rắn, chịu tác động mạnh mẽ dưới các điều kiện khác nhau của môi trường để đi đến hình dạng sau cùng. Đặc tính không thể kiểm soát này của Foam làm tôi mường tượng đến sự bất định trong hình dạng của những dị ứng, trên cơ thể mình cũng như trên mọi sự vật. Nguồn gốc của những dị ứng ngẫu nhiên là mình chứng cho tính bất định của những dị nguyên trong và ngoài mỗi “cơ thể”.
Tôi ví tôi là một “cơ thể”, ngôi nhà là một “cơ thể”, xã hội là một “cơ thể”, sự hiện diện là một “cơ thể”. Hay đức tin, suy cho cùng, cũng là một “cơ thể”. Tất thảy, đều phơi nhiễm trước những dị nguyên vô chừng.
Cho đến nay, đâu là tác phẩm mà anh tốn nhiều thời gian thực hiện nhất?
Cho đến nay bộ tác phẩm Dị ứng được thực hành lâu nhất trong các tác phẩm.
Những chủ đề nào thường lặp đi lặp lại trong sáng tác của anh?
Hiện tại các chủ đề về cuộc sống hàng ngày với tính thời sự đang diễn ra nó đang được đưa vào tác phẩm dị ứng.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về các tác phẩm trong series “Dị ứng” là chúng có rất nhiều màu sắc. Liệu có ý nghĩa gì sau đó không?
Vết thương màu sắc là thủ pháp tôi sử dụng để nói lên những vết thương trông nó vẫn còn đẹp , ngây ngô, xáo trộn thông qua hình tượng điêu khắc. Màu sắc tạo sự khó chịu trong tâm lý và khó chịu trong thị giác. Cuộc sống muôn màu, “cơ thể” tôi đã và đang phơi mình trước những dị nguyên vô hình của nó.
Đâu là cơ duyên cho sự hợp tác giữa anh và TOONG?
Vào 2017, tôi có triển lãm nhóm mang tên Dạo bước nghệ thuật tại Saigon innovation hub cùng Lê Tuấn Anh và Kai Phan nay đang làm tại Toong. Chính mối liên hệ đó là tiền đề cho việc trưng bày tác phẩm của tôi tại Toong vào đầu năm 2021.
Anh kỵ điều gì nhất trong sáng tạo nghệ thuật?
Tôi không kỵ bất kỳ điều gì trong sáng tạo nghệ thuật. Đối với tôi, bản thân “kỵ” cũng có thể tạo cho tôi một suy nghĩ mới trong sáng tạo.
Thế giới trong trí tưởng tượng của anh trông như thế nào?
Thế giới trong trí tưởng tượng của tôi rất vô vàn màu sắc đang bay nhảy và xáo trộn.
Theo anh, nghệ thuật và cái đẹp là gì?
Chúng luôn đi song song với nhau, nhưng đối với mỗi người luôn khác nhau.