Trong tâm trí Thành Chu, sáng tạo âm nhạc là mô phỏng các âm thanh không có thật trong tự nhiên để kiến tạo một thế giới mới, mang đến trải nghiệm phiêu du trong không gian vô định cho người nghe.
Sản xuất âm nhạc là tạo ra không gian của các âm thanh, phác họa chi tiết các rung động của tâm hồn, mang đến các rung cảm về thế giới chưa từng được biết đến cho người nghe. Thế giới của các producer chia làm hai: tin vào tài năng riêng của mình và giữ vững nhịp điệu cá nhân; phần còn lại thích hoà cùng người khác ứng tấu như đang nhảy nhảy nhảy.
Men’s Folio Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Thành Chu, người được xem là nhà sản xuất thiên thần của các nghệ sĩ indie. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Sản xuất và Kỹ thuật Âm nhạc tại Học viện SAE (Singapore). Anh đảm nhiệm vai trò Tech Manager của Monsoon Music Festival từ 2015 đến nay, từng có kinh nghiệm làm kỹ sư âm thanh, sản xuất và đồng sản xuất trong nhiều chương trình âm nhạc lớn ở Việt Nam. Thành Chu từng cộng tác với các nghệ sĩ lớn như Quốc Trung, Thanh Lam, Hà Trần, các ngôi sao nổi bật của showbiz Việt như ca sĩ Thu Minh, Đông Nhi và các nghệ sĩ indie như Vũ, ban nhạc Lộn Xộn… Gần đây, anh đã công bố dự án Live Music Alliance mở ra một sân chơi mới cho các nghệ sĩ, ca sĩ trẻ Việt Nam.
Vì sao anh lại chọn gắn bó với công việc producer?
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm gì nếu không phải công việc liên quan tới âm nhạc và sản xuất âm nhạc. Từ nhỏ, các món quà gắn với các dịp đặc biệt của tôi như sinh nhật, lễ trưởng thành… đều là những cây đàn được xếp kín trong căn phòng này.Càng trưởng thành tôi càng nhận ra âm nhạc là điều kỳ diệu nhất và cũng là điều tôi làm tốt nhất.
Âm nhạc khởi nguồn trong tôi từ các bài học piano cổ điển lúc nhỏ, thanh xuân chơi trong ban nhạc rock, sau đó tới những bài học kỹ thuật âm thanh và sản xuất ở SAE, Singapore. Khi về nước, tôi may mắn được trải qua những bài học thực tế trong quá trình làm việc với anh Quốc Trung. Mặt khác, tôi luôn bị thu hút bởi những việc kiến tạo ra những điều mới mẻ, nếu có thể tạo ra thứ gì đó chưa ai từng làm thì tôi rất phấn khích thích thú. Tôi mong muốn kết hợp âm nhạc và kỹ thuật hỗ trợ lẫn nhau. Tôi tin mình có thể làm được điều đó ở vị trí của một producer.
Khi làm sản xuất, làm thế nào anh cân bằng giữa tính cá nhân của producer và các yêu cầu thương mại của thị trường, của những nghệ sĩ hợp tác với mình?
Công việc sản xuất âm nhạc cần sự sáng tạo, bản thân mỗi producer đều có cá tính nghệ sĩ riêng. Khi làm việc tôi sẽ phân chia thành hai trường hợp: các dự án cộng tác/được đặt hàng và các dự án cá nhân. Chủ quan mà nói, khi các hãng đĩa, nghệ sĩ tìm đến một producer thì họ cũng ít nhiều biết về phong cách âm nhạc, hình dung sơ bộ về người đó. Tôi tin vào việc giữ vững phong cách cá nhân khi hợp tác, cùng nhau tạo ra sản phẩm tốt nhất, bằng kỹ thuật có thể giúp nghệ sĩ né các yếu điểm và trình diễn các ưu điểm mạnh nhất. Mỗi người chỉ có một khoảng ngách nhất định trong thẩm mỹ nghệ thuật, đặc biệt nếu đó là người trưởng thành đã qua nhiều khảo nghiệm làm nghề. Tôi tôn trọng sự khác biệt và phong cách cá nhân của mỗi người. Đồng thời tôi cũng mong chờ điều tương tự ở người hợp tác với mình.
Đối với các dự án cá nhân như khi chơi nhạc trong ban Skylines Beyond Our Reach (SBOR), tôi đề cao tính thể nghiệm, đam mê định hướng Genre Bending (xóa mờ ranh giới giữa các dòng nhạc). Khi làm nhạc, tôi muốn sáng tạo ra một thế giới mới, trong đó mô phỏng các âm thanh không có thực từ chân không để người nghe có thể thoát khỏi thực tại phiêu du trong không gian vô định và thư giãn hoàn toàn. Để làm được việc đó đôi khi cần thiết kế, sử dụng âm thanh, kỹ thuật sáng tác, phối khí… thuyết phục để kích thích trí tưởng tượng của người nghe. Đó là một thách thức và cũng là điều tôi tận hưởng trong quá trình sáng tạo.
Dường như anh đang chọn con đường không thịnh hành với đám đông?Vừa sản xuất vừa biểu diễn cùng ban nhạc trên sân khấu có khiến anh phân tâm?
Tự nhiên nó thế (cười). Khi sáng tạo mình không định nghĩa được nhiều, sau khi ra tác phẩm rồi thì cũng chỉ có thể cho là phản ứng hồn nhiên.
Tôi hướng đến âm nhạc mang nặng tính tượng hình, hoài niệm và không quá nghĩa đen. Đây cũng là lý do âm nhạc của tôi và SBOR phần lớn là instrumental. Do đặc thù dòng nhạc tôi và ban nhạc theo đuổi(ambient electronic/post-rock) đòi hỏi nhiều layers và khoảng lặng nên các bài đều đã được lập trình cố định từ đầu cho tới cuối. Thứ âm nhạc tôi chọn đồng hành cùng SBOR là thứ âm nhạc không khó để chơi đúng, nhưng sẽ là một điều khó có thể tái hiện lại một cách trọn vẹn nếu không được trình diễn bởi những cá nhân trong tập thể này.
Màn trình diễn của SBOR hướng tới sự chính xác, ổn định trong các không gian khác nhau, đạt mục đích truyền tải ý đồ nghệ thuật thiết kế và dàn dựng. Điều này yêu cầu cao về tiền kỳ và sản xuất hơi các ban nhạc khác. Bù lại, việc đó giúp tôi không bị phân tâm khi biểu diễn mà chỉ tập trung làm tròn đúng với vai trò nhạc công.
Sở thích, kỹ thuật hay thiết bị giúp định hình phong cách sản xuất âm nhạc của anh?
Thời đại công nghệ số phát triển, chỉ với một chiếc máy tính bạn có thể chứa cả một studio ảo bên trong. Điều đó giúp producer ngày nay hoàn thành công việc dễ dàng hơn, đôi khi chỉ cần một cú click chuột và kéo thả. Chúng tôi có thuật ngữ nói tới việc đó là sản xuất “In the Box”. Tôi thuộc thế hệ producer sinh ra ở giai đoạn giao thoa giữa cách sản xuất cũ (nhiều trang thiết bị) và mới (tối giản và số hoá), trưởng thành trong môi trường đào tạo cổ điển và đam mê nhạc rock. Bởi vậy, cách sản xuất của tôi là một sự hỗn hợp giữa cũ và mới. Tôi vẫn trân trọng và tận hưởng sự tương tác của các phím đàn với ngón tay mình, sự khác biệt giữa mạnh và nhẹ, và cách nhạc cụ phản hồi lại với những thay đổi… Đồng thời tôi vẫn đón nhận cách công nghệ số làm công việc và sự sáng tạo trở nên dễ dàng hơn.
Như một producer của thế hệ cũ hơn, tôi vẫn sử dụng nhiều thiết bị tổng hợp (cả analog và digital) cho việc sản xuất và sáng tác. Việc sử dụng các nhạc cụ thật với âm thanh organic, thay vì “In The Box” – 100% digital, giúp âm nhạc của tôi không bị thiếu sự trầm bổng, lại tránh được sự sắc nhọn của âm thanh số.
Từng tham gia biểu diễn tại các music festival lớn như Monsoon, BridgeFest và gần đây nhất là Round (KBS, Hàn Quốc) anh có cảm thấy khoảng cách chênh chệch trong cách tổ chức Liên hoan âm nhạc giữa Việt Nam và nước ngoài?
Thực tế là khoảng cách này không xa như nhiều người nghĩ. Hoặc ít nhất trong vài năm gần đây, kể từ khi Monsoon Festival ra đời thì khoảng cách ấy đã gần lại rất nhiều. Mỗi nghệ sĩ nước ngoài tới tham dự Monsoon đều đưa ra một danh sách những yêu cầu về mặt chuyên môn đối với đơn vị tổ chức, yêu cầu các khâu về kỹ thuật trong buổi biểu diễn trên phải đạt chất lượng quốc tế như tại các sân khấu lớn trên thế giới. Điều thay đổi lớn nhất trong mắt tôi là tư duy sản xuất, ban tổ chức sẵn sàng đầu tư vào thiết bị hướng tới nghệ sĩ nhiều hơn.
Các festival lớn tại Việt Nam đã và đang đặt nghệ sĩ làm trọng tâm, đáp ứng các yêu cầu để nghệ sĩ có thể phát huy tối đa khả năng khi trình diễn tác phẩm.
Trải nghiệm gần đây của tôi khi cùng SBOR tham gia Liên hoan âm nhạc trực tuyến Round Festival. Covid-19 khiến nền sản xuất âm nhạc live và biểu diễn đóng băng. Tôi đã xem nhiều festival cũng như live show trực tuyến tại các nhà hát trống rỗng ở phương Tây nhưng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ tham gia một chương trình tương tự sớm đến vậy. Nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc thích nghi rất nhanh, họ xoay chuyển các mô hình để giữ nhịp kế hoạch sản xuất đã đề ra.
Ở vị trí là Giám đốc âm nhạc và producer, tôi hầu như không gặp trở ngại gì trong việc sản xuất set nhạc tham dự. Phần vì ban tổ chức (với sự hỗ trợ của KBS) đã có những hướng dẫn cụ thể và chuyên nghiệp; phần vì được anh Quốc Trung và Bộ Văn hoá hỗ trợ. Biểu diễn không khán giả, quay thu trực tiếp trong Nhà hát Tuổi Trẻ, sau đó phát live stream màn trình diễn cho khán giả quốc tế là một cảm giác rất đặc biệt. Phản hồi của khán giả khiến chúng tôi rất vui. Có người bày tỏ sự bất ngờ và không nghĩ Việt Nam có nghệ sĩ chơi nhạc theo phong cách này.
Trong các nghệ sĩ anh đã hợp tác cùng, anh ấn tượng và bất ngờ về ai nhất?
Tôi rất thích nguồn năng lượng của chị Thanh Lam, truyền cảm hứng sáng tạo đồng thời kích thích khả năng “cầm cương” của các producer. Tuy nhiên người khiến tôi ấn tượng và bất ngờ nhất là ca sĩ Đông Nhi. Cô gần như thuộc lời hết gần ba mươi bài trong liveshow của mình, không cần bất cứ màn hình nhắc nào. Cô kiểm soát rất tốt cách mình xuất hiện trên sân khấu (từ trang phục đến vũ đạo), cách mình hát ra sao, phối hợp với ban nhạc như thế nào. Khi đó, Đông Nhi vừa là ca sĩ vừa là nữ doanh nhân và làm tốt cả hai vai trò trong cũng một thời điểm.
Live Music Alliance là dự án cá nhân của anh hướng về cộng đồng sáng tạo âm nhạc trẻ, với mong muốn nâng cao khả năng và chất lượng biểu diễn. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án này?
LMA ra đời như một phương thức hỗ trợ cho thế hệ nghệ sĩ mới, vốn đã bấp bênh nay lại càng khó khăn sau ảnh hưởng của Covid-19. Tôi và các đồng sự hi vọng LMA sẽ trở thành một hệ sinh thái, trong đó người tổ chức, nghệ sĩ và đội kỹ thuật cùng trao đổi, hoạt động một cách bài bản, có tổ chức và kết hợp nhuần nhuyễn hơn.
Việc phát hành các màn biểu diễn số đã trở nên đơn giản hơn với sự góp mặt của nhiều hãng thu âm và phát hành. Nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam đang có nhiều lựa chọn song vẫn thiếu các sản phẩm được sản xuất bài bản, phát hành chính quy và kiếm tiền từ các nền tảng kinh doanh sản phẩm/màn trình diễn sống của họ. Tuy mới ra mắt song LMA đã nhận được nhiều lời đề nghị chung tay từ các nghệ sĩ trẻ và sự đồng hành của đơn vị hỗ trợ sản xuất kỹ thuật như 3S – Show Solution Service.
LMA sẽ đồng hành với nghệ sĩ ngay từ giai đoạn lên kế hoạch, thực tế sản xuất và triển khai live show. Do đồng hành từ đầu, kỹ sư âm thanh và ánh sáng nắm được rõ tính chất âm nhạc của nghệ sĩ và luyện tập, trao đổi cùng nghệ sĩ; thay vì chỉ xuất hiện khi làm hoặc tập cho liveshow như cách làm truyền thống. Màn trình diễn được luyện tập, thu và phát hành số và đích cuối cùng là liveshow/showcase.
Box thông tin:
Các chương trình âm nhạc Thành Chu đã tham gia:
Monsoon Music Festival – Tech Manager (2015 – Now)
Synchronization Engineer – Kỹ sư hòa phối trình diễn
Ten on Ten – Đông Nhi (2018)
Bình Minh – Thanh Lam (2018)
I am Diva – Thu Minh (2019)
Gặp Gỡ Thanh Xuân – Khắc Việt (2019)
Để Gió Cuốn Đi – Quốc Trung (2020)
Đường Xa Vạn Dặm – Quốc Trung
Tổng đạo diễn chương trình:
Xin Phép Được Cô Đơn 2 – Vũ. (2017)
To the Hub – Doãn Hoài Nam & Hub (2018)
Tự Dưng Show – Lộn Xộn (2017 + 2019)
Ký Ức và Thời Gian – Kaang (2021)
Giám đốc Âm nhạc: Hanh Tinh Song Song – Vũ. & Skylines Beyond Our Reach (2018)
Producer: Skylines Beyond Our Reach
Bài: Dạ Thương
Ảnh: Giang Lê
Đặt ấn phẩm ???’? ????? ??????? – ??? ????? ????? chỉ với 99,000 VND tại ĐÂY:
Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!