Phỏng vấn vốn đã là một canh bạc mà ở đó không có gì chắc chắn 100% cả, thậm chí bạn có nhận thêm một lời hẹn cho một cuộc phỏng vấn sâu hơn tiếp theo, cũng chưa đảm bảo bạn được nhận. Nên việc tự mình review lại buổi phỏng vấn là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc đánh giá lại phần trả lời của bản thân và cách ứng xử đã đủ gây ấn tượng chưa, bạn cần nhớ lại những biểu hiện, cách giao tiếp và thái độ của nhà tuyển dụng. Không chỉ là những dấu hiệu cho thấy bạn có bao nhiêu phần trăm cơ hội nhận được công việc này, điều này còn cho thấy phần nào sự phù hợp giữa bạn và văn hóa công ty.
Bạn sẽ không bao giờ đến muộn cho một cuộc phỏng vấn quan trọng, vậy tại sao họ lại để bạn chờ đợi? Thực ra thời gian chờ đợi 5-10 phút cũng không quá đáng nhưng không đúng giờ cũng là một dấu hiệu bạn cần lưu ý về tác phong làm việc của họ. Tới đây thì còn điều gì có thể tệ hơn nữa? Đó là nhà tuyển dụng quên mất là có hẹn với bạn. Hẹn lại một ngày khác nghe có vẻ đơn giản nhưng hãy đặt trường hợp ngược lại xem, họ có cho bạn cơ hội thứ hai hay không? Tất nhiên, mọi chuyện sẽ dễ thông cảm hơn nếu họ gửi email cho bạn để dời lại cuộc hẹn, đúng không nào?
Thông thường, một nhà tuyển dụng sẽ tạo cho bạn một cảm giác thoải mái để giới thiệu về bản thân. Sau đó sẽ trao đổi kỹ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của công việc bạn đang ứng tuyển, bao gồm cả những người bạn sẽ làm việc và báo cáo.
Sẽ thật tệ nếu họ không hề có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho buổi gặp này, cụ thể là họ mơ hồ về những thông tin cơ bản của bạn (dù bạn đã cùng cấp đầy đủ về bản thân và background của mình trong CV) và đặt ra những câu hỏi mà bạn cảm thấy chẳng liên quan gì đến công việc và có phần rất ngớ ngẩn, ví dụ như “Cung hoàng đạo của bạn là gì?” thay vì “Bạn kỳ vọng gì ở công việc này?” và nói lan man dông dài cả buổi, trong khi định hướng công việc hai bên có phù hợp với nhau không thì chẳng nói gì mấy. Nếu những chi tiết này không rõ ràng, có điều gì đó thật sự không ổn. Một khi họ đã mơ hồ về những điều họ kỳ vọng ở ứng viên, họ sẽ yêu cầu ở bạn nhiều hơn khi vào việc và dễ thất vọng nếu bạn không đáp ứng được.
Có rất nhiều trường hợp ngay từ lần gặp đầu tiên, nhà tuyển dụng sẽ nói những điều khá khó nghe, dễ gây tổn thương khi đánh giá thấp nền tảng hoặc phê bình về kỹ năng của bạn, ví dụ như đặt nghi vấn rằng bạn học ở ngôi trường ABC, một ngôi trường không mấy danh tiếng, thì chất lượng đào tạo sinh viên cũng không thể tốt. Nếu bạn phản ứng lại, họ sẽ phê bình cách ứng xử của bạn, còn nếu im lặng không thể hiện thái độ gì, họ sẽ nói bạn không có cá tính. Sau khi hạ thấp bạn, họ sẽ dẫn dắt buổi phỏng vấn theo kiểu nếu bạn trúng tuyển thì bạn nên biết ơn về điều này.
Nếu bạn gặp trường hợp này, người viết không khuyên bạn phải điên tiết phản kháng lại. Bạn cần bình tĩnh đối đáp để họ thấy rằng việc đưa ra những đánh giá tiêu cực vào lúc này là rất không lịch sự và thiếu sự tôn trọng. Bạn có quyền từ chối phỏng vấn tiếp, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì nếu ấn tượng của họ về hồ sơ của bạn tệ như vậy, thì có cần thiết phải lên lịch cho buổi phỏng vấn này? Bỏ qua chuyện công việc có tiềm năng hay không, họ sẽ là người làm việc trực tiếp cùng bạn không, thì bạn cũng nên đặt dấu chấm hỏi về văn hóa công ty và con người ở đây.
Có lẽ bạn đã từng nghe qua một “mẹo” tạo kết nối không mấy lành mạnh, đó là “bán” bí mật của một người để kết thân với người khác. Trường hợp này cũng tương tự, vì muốn cho bạn cảm giác họ ưu ái bạn nên họ sẽ nói về người cũ từng đảm nhiệm vị trí này rất tệ. Nhận xét trực tiếp về người đã từng đảm nhận vị trí mà bạn đang ứng tuyển có thể là dấu hiệu của một nơi làm việc thiếu tôn trọng và độc hại. Nếu họ làm điều này với người đã gắn bó với công ty trước đó, họ cũng sẽ làm điều tương tự với bạn. Và chuyện đồng nghiệp nói xấu lẫn nhau trong môi trường thế này cũng là điều dễ hiểu. Nếu bạn cần một môi trường làm việc mà mọi người cùng hướng đến mục tiêu chung, không muốn lãng phí thời gian cho những thị phi công sở, bạn thật sự cần cân nhắc về một công ty khác.
Có một điều mà ứng viên rất ngại mở miệng hỏi nhưng lại là điều họ cần đề cập nhật trong một buổi phỏng vấn, đó là hỏi về thời gian có kết quả phỏng vấn. Nếu bạn luôn không làm điều này, bạn hẳn đã ở cảm giác chờ đợi không hồi kết trong tất cả các cuộc phỏng vấn của mình. Sự bị động chỉ khiến bạn tiêu hao nhiều năng lượng, dễ stress hơn thôi và không biết chừng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khác. Thông thường, những nhà tuyển dụng có trách nhiệm sẽ chủ động nói về thời gian phản hồi cho ứng viên biết để họ nhanh chóng tìm cơ hội khác. Nếu kể cả khi bạn đề cập đến, họ cố tình tránh né hoặc không hứa chắc chắn về thời gian thì bạn cũng không cần ôm hy vọng nhiều.
Buổi phỏng vấn diễn ra quá chóng vánh ngụ ý rằng công ty không thực sự quan tâm đến việc tìm kiếm ứng viên tốt nhất. Và tất nhiên, họ cũng không rõ ràng trong các tiêu chí tuyển dụng của mình để bạn trở về rồi và vẫn rất mơ hồ về mọi thứ. Thông thường, bạn sẽ gặp một nhà tuyển dụng và người này cũng sẽ là người quản lý tiềm năng của bạn. Một số nơi cũng có thể sắp xếp cho bạn gặp lãnh đạo cấp cao để tiện cho việc thỏa thuận về tiền lương và để được đánh giá thêm, nhưng thông thường sẽ không có nhiều hơn 3 vòng phỏng vấn. Hoặc ngược lại, quá trình phỏng vấn kéo dài hoặc khó khăn một cách không cần thiết cũng là một dấu hiệu không mấy khả quan. Thời gian trung bình cho một cuộc phỏng vấn sẽ rơi vào 30-45 phút, nếu ít hơn 20 phút thì quá ngắn, còn dài tới cả tiếng đồng hồ hoặc hơn thì không ổn.
Câu chuyện deal lương là cả một nghệ thuật, không thể gói gọn trong khuôn khổ một bài viết nhưng có một vấn đề bạn cần lưu ý. Thông thường các nhà tuyển dụng sẽ đưa ra lời đề nghị với mức lương thấp hơn một chút với mức lẽ ra họ nên trả cho bạn, nhưng lời đề nghị đó không được quá thấp. Nếu đó là một con số còn thấp hơn hoặc ngang bằng với những người chưa có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực của bạn, thì hành động này nói lên rằng họ không thực sự đánh giá bạn đúng mực và cũng không xem trọng bạn. Nhà tuyển dụng không phải là người ban phát ơn lành và người ứng tuyển cũng không gia nhập công ty để ăn không ngồi rồi. Đây là một mối quan hệ bình đẳng giữa cho và nhận, nên một là bạn cần nhận ra giá trị của mình, hai là sẽ phải chịu thiệt thòi.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn