5 cách để sống hạnh phúc trong một cuộc đời bất định
Lifestyle

5 cách để sống hạnh phúc trong một cuộc đời bất định

Cách đây vài năm thì dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện như một làn sóng cuốn phăng hết mọi thứ (và đến lúc này chúng ta vẫn đang cố gắng gầy dựng lại), nay thì đến chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine. Chúng ta không thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra, vậy nên làm gì khi cuộc sống luôn ẩn chứa những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát?

Sống với những điều bấp bênh thật khó. Con người khao khát thông tin về tương lai giống như khao khát thức ăn, tình dục và các phần thưởng khác. Bộ não của chúng ta coi sự mơ hồ là một mối đe dọa và nó cố gắng bảo vệ chúng ta bằng cách giảm khả năng tập trung vào bất cứ điều gì khác ngoài việc tạo ra sự chắc chắn. Nhưng đôi khi – có thể luôn luôn – sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta không cố gắng tạo ra sự chắc chắn. Nhà toán học John Allen Paulos từng viết: “Không chắc chắn là điều chắc chắn duy nhất. Biết cách sống chung với sự bất an là cách an toàn nhất.” Và trong những tình huống không thể đoán trước, sắp xảy ra như đại dịch hay chiến tranh, tất cả những điều chúng ta cần làm là học cách sống với sự mơ hồ.

Đừng cố kháng cự

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy thử thách, chỉ sự phát triển không ngừng của công nghệ cũng đủ khiến cuộc này luôn đứng trước những thay đổi không thể dự báo trước. Chỉ cần chúng ta không theo kịp thì liền có thể bị bỏ lại phía sau. Nhưng cố chống lại thực tế sẽ không giúp chúng ta phục hồi, học hỏi, phát triển hoặc cảm thấy tốt hơn. Trớ trêu thay, sự phản kháng lại kéo dài những đau đớn và khó khăn của chúng ta bằng cách khuếch đại những cảm xúc tiêu cực ta đang có.

Thay vì chống cự, chối bỏ thực tế để mãi hậm hực dậm chân tại chỗ, chúng ta có thể học cách chấp nhận. Nghiên cứu của nhà tâm lý học Kristin Neff và các đồng nghiệp của cô đã chỉ ra rằng sự chấp nhận – đặc biệt là sự chấp nhận bản thân – là một trong những cách khiến chúng ta tìm thấy hạnh phúc từ bên trong. Chấp nhận là hiểu cách cuộc sống đang vận hành thế nào, đang phát triển đến đâu và dũng cảm tiến về phía trước từ đó.

Ví dụ, bạn có thể thấy cuộc hôn nhân của mình đang có nhiều thử thách. Thay vì chỉ trích hoặc đổ lỗi cho bạn đời (một cách phản ứng nghiên về phản kháng nhiều hơn), bạn nên bình tĩnh chấp nhận tình trạng của cuộc hôn nhân đang không mấy tốt đẹp và cả hai ngồi lại để sửa chữa cùng nhau.

Hãy đầu tư vào bản thân

Nguồn lực tốt nhất mà mỗi người có ngay lúc này là bản thân mình. Chúng ta cần duy trì các mối quan hệ mang lại cho chúng ta sự kết nối và ý nghĩa; chúng ta phải ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi khi mệt mỏi; và chúng ta cần dành thời gian để vui chơi bên cạnh công việc. Chúng ta cần phải biết cách tự chăm sóc cho mình thay vì tự phá hủy bản thân. Khi ta biết cách chăm sóc và yêu thương chính mình, ta sẽ ít có cảm giác phải lệ thuộc vào người khác. Sự độc lập và tự tin ấy khiến bạn trở nên bình tĩnh, ít hoang mang sợ hãi khi phải đối mặt với những biến cố của cuộc đời và rộng hơn là cả những sự kiện bất định trong tương lai.

Một trong những cách để đầu tư cho bản thân đó là tìm cách xoa dịu những bất an một cách lành mạnh. Đừng chỉ biết sử dụng mạng xã hội, ăn nhiều đồ ăn vặt, uống rượu hoặc mua sắm liên tục để xoa dịu thần kinh đang căng thẳng. Bạn có thể gọi điện cho bạn bè và người thân, đi bộ hoặc đạp xe, đọc sách, xem những video vui nhộn trên YouTube hay một bộ phim giàu ý nghĩa trên Netflix chẳng hạn. Những điều này nghe thì rất nhỏ nhặt nhưng chúng góp phần tạo nên phiên bản tốt hơn của bạn mỗi ngày.

Đừng tin tất cả những gì bạn nghĩ

Trong những thời điểm không chắc chắn, điều đặc biệt quan trọng là không nên tin vào những suy nghĩ tiêu cực về một viễn cảnh nào đó. Tất nhiên, việc xem xét những trường hợp có thể xảy ra giúp ta có sự chuẩn bị tốt hơn. Nhưng khi tin vào những suy nghĩ căng thẳng đó, ta có xu hướng phản ứng như thể nó đang xảy ra ngoài đời thực, chứ không chỉ tồn tại trong suy nghĩ. Chúng ta đau buồn vì những thứ không thực sự mất đi và phản ứng với những sự kiện không thực sự xảy ra. Điều này khiến chúng ta cảm thấy bị đe dọa, sợ hãi và vô cùng bất an. Ngay cả khi cảm thấy mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, bạn vẫn có thể kiểm soát được những gì mình chú ý. Bạn không thể kiểm soát tương lai nhưng có thể điều chỉnh và sắp đặt hiện tại của mình.

Đừng trông đợi vào sự hiện diện của người khác

Khi hành động như thể bất lực, cảm thấy mắc kẹt trong chính sự tức giận của mình thì chúng ta có xu hướng trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Bạn sẽ rất nhanh cảm thấy sự cô đơn đang vây khốn mình và cho rằng nếu chẳng nhận được sự giải cứu nào, vậy thì quá hợp lý để buông xuôi mọi thứ. Sự quan tâm của bạn bè hay người thân là điều cần nhưng chẳng ai đi giúp bạn 100 bước, ít ra bạn cũng phải đứng lên chịu tiến về phía trước.

Tốt nhất là bạn cần ngừng phàn nàn về hoàn cảnh hiện tại. Đừng chỉ nhìn vào một chấm đen trên một tờ giấy trắng. Thay vào đó, hãy suy nghĩ về kết quả mà bạn muốn, cụ thể rằng bạn có thể đạt được gì trong mớ hỗn độn này? Điều tối thiểu bạn có thể làm là gì? Khi có ý thức tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, bạn sẽ thoát khỏi tâm lý yếu ớt của nạn nhân và khiến bản thân mạnh mẽ hơn.

Tìm thấy những điều ý nghĩa trong sự hỗn loạn

Các nhà tâm lý học xã hội đã chỉ ra rằng con người được thúc đẩy nhiều nhất bởi ý nghĩa của chúng ta đối với người khác. Bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn, bền bỉ hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn khi biết rằng việc bạn đang làm tác động và giúp ích cho xã hội nhiều thế nào. Nghiên cứu cũng cho thấy chúng ta sẽ cảm thấy tốt khi ngừng nghĩ về bản thân quá nhiều.

Ý nghĩa và mục đích là những nguồn hy vọng tuyệt vời. Khi thế giới trở nên đáng sợ hoặc không chắc chắn, biết được ý nghĩa của chúng ta đối với người khác có thể giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Đừng đợi những thử thách kết thúc, đừng chờ đợi những vấn đề tự nhiên biến mất và cũng đừng quá ám ảnh những điều xấu nhất có thể xảy ra. Hãy tập trung vào việc bạn muốn gì trong cuộc đời này, bạn đang tìm kiếm điều gì trong hành trình phát triển bản thân… và sống một cuộc sống như thế.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article