5 bộ truyện tranh đọc để thấy mình trẻ ra
Lifestyle

5 bộ truyện tranh đọc để thấy mình trẻ ra

“Bồi hồi” và “thân thương” là hai cụm từ mà tôi tin là cảm giác chung của hầu hết chúng ta khi bất giác cầm lên một quyển truyện tranh ngày nhỏ gối đầu giường. Mỗi người sẽ có cho riêng mình một hoặc vài tựa truyện gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ. Những bộ truyện dưới đây có thể không cùng chung tủ sách của bạn nhưng đều là những bộ truyện rất hấp dẫn từ những trang đầu tiên.

Doraemon (Fujiko Fujio)

Những cuộc phiêu lưu lên rừng xuống biển của “chồn xanh”… à không, mèo máy Doraemon cùng nhóm bạn Nobita, Shizuka, Suneo và Jaian đã trở nên quá đỗi thân thuộc với thiếu nhi và những người trưởng thành. Có rất nhiều lý do để tác phẩm này bất tử trong lòng những yêu truyện tranh nhưng có một điểm mà tôi tin rằng là điều hấp dẫn nhất, đó là mỗi một lần chúng ta đọc sẽ có thêm một bài học mới, một góc nhìn mới. “Doraemon” là cách một đứa trẻ tìm thêm niềm vui, tận hưởng những thế giới nhiều màu sắc, được thỏa máu phiêu lưu thám hiểm, hiểu thêm về tình bạn… hay như với tôi nó đặc biệt hơn vì là món quà tôi muốn bố mua cho mỗi khi đi khám răng. Thậm chí có là ngày bình thường, tôi vẫn hay đi cùng bố đến tiệm sách nhỏ để tìm mua tập mới. Nhưng mỗi đứa trẻ trưởng thành đọc “Doraemon” sẽ phát hiện ra nhiều thứ… hơi buồn một chút, và buồn nhất là biết sẽ có một ngày Doraemon sẽ rời xa Nobita, dẫu ta biết đó là điều cần trong hành trình trưởng thành mà Nobita sẽ phải trải qua trong đời mình chăng nữa.

Tôi vẫn giữ thói quen đọc và xem “Doraemon”. Thời điểm lý tưởng nhất mà tôi thường xem “Doraemon” là vào giờ cơm trưa và chiều. Tôi không xem “Doraemon” như một cách để vơi bớt áp lực công việc, vì “Doraemon” với tôi là những điều tốt đẹp nhất trên thế giới này và tôi chỉ đang tận hưởng niềm vui rất thuần khiết ấy. “Doraemon” đến với tôi một cách rất tự nhiên và vì thế mà nó sẽ cùng gắn bó mật thiết mãi mãi.

Thám tử lừng danh Conan ( Aoyama Gōshō)

Ôi chắc là ai cũng thở dài và lắc đầu khi nghe tới anh chàng thám tử học đường Shinichi Kudo, vì hành trình phá án, truy lùng ra tổ chức áo đen của cậu thám tử này chắc phải kéo dài từ lúc 9x học tiểu học tới lúc gần chạm ngõ tuổi 30 mà chẳng tiến triển tới đâu. “Conan” đang tạm dừng lại ở tập 99, tập 100 hiện vẫn chưa ấn định ngày xuất bản. Nhưng trong cái rủi ló cái may, đó là không bao giờ buồn vì phải chia tay một bộ truyện mình yêu thích. Thế nên là tâm lý ai cũng vừa thong thả trưởng thành vừa đợi “Conan” ra tập mới. Điều mà tôi mãi bây giờ mới ngộ ra đó là những người mê mệt “Conan”, không phải ai cũng có giỏi phá án hay có một cái đầu tư duy sắc sảo như Shinichi, nhưng chắc chắn đều có máu thám tử và tinh thần thích phiêu lưu mạo hiểm.

Dù không tìm ra manh mối cụ thể để đưa ra suy luận về hung thủ, đọc với sự mịt mờ là vậy, nhưng lạ là đọc vẫn thấy vui và giải trí khủng khiếp. Tôi không nhớ chính xác điều gì đã thúc đẩy mình cầm lên quyển “Conan” và sau này vẫn si mê nó. Nhưng điều khắc sâu vào trí nhớ tôi hơn, đó là trường học của tôi có đúng một tiệm bán sách và có hỗ trợ dịch vụ bọc sách, nên những đứa nào là “fan” của “Conan” sẽ tranh nhau đặt trước, để chắc suất một cuốn được bọc đẹp đẽ.

Kết giới sư (Tanabe Yellow)

Bộ truyện này hơi kén người đọc một chút, không phổ biến như “Doraemon” hay “Thám tử lừng danh Conan”. “Kết giới sư” mang bầu không khí hơi quỷ dị và có chút đáng sợ nhưng yếu tố phù phép đã hấp dẫn tôi, thế nên nó cũng trở thành một trong những tựa sách tôi rất yêu thích. Truyện xoay quanh vị lãnh chúa Karasumori mang trong mình một sức mạnh kỳ bí mà chính ông cũng không hay biết. Không may là thứ sức mạnh đặc biệt đó của ông lại là thứ hấp dẫn các loại ma quỷ đến với vùng đất mà ông đang cai quản. Sau khi vị lãnh chúa này qua đời, sức mạnh tâm linh mà ông sở hữu thì vẫn tồn tại vì thế nó liên tục thu hút yêu quái đến với vùng đất này. Sau đó hai dòng họ pháp sư là Sumimura và Yukimura được lập ra và luôn muốn khẳng định mình là truyền nhân thực sự của tổ sư Hayama – người từng được lãnh chúa mời về trừ yêu nhưng lâm trọng bệnh qua đời. Người tiếp nối của Sumimura là một cậu học sinh Yoshimori và của Yukimura là một cô gái lớn hơn Yoshimori 2 tuổi Tokine. Trước lạ sau quen, không đánh không quen biết, cả hai từ không ưa nhau đã cùng hợp tiêu diệt ma quỷ và bảo vệ người dân. Ai lại có thể không bị hấp dẫn với một cốt truyện như thế này chứ?

Inuyasha (Khuyển Dạ Xoa) – Takahashi Rumiko

“Inuyasha” là câu chuyện về một tên bán yêu trong hành trình tìm lại Ngọc Tứ Hồn để có thể trở thành yêu quái thực thụ thì gặp nữ sinh thời hiện đại Higurashi Kagome. Trong hành trình này, cả hai đã trở thành bạn đồng hành và thậm chí là nảy sinh tình cảm với đối phương. Nhưng đôi bên luôn tìm cách che giấu và tránh né. Cứ mỗi lần Inuyasha làm Kagome đau lòng thì người hâm mộ loạt truyện này lại cảm thấy uất ức thay cô nàng và cứ như vậy, đọc hết tập này đến tập khác, đọc với tinh thần cho tới khi nào Inuyasha đối xử tốt và thừa nhận tình cảm của mình với Kagome thì mới thôi. Không giấu gì, tôi cũng thuộc team xem “Inuyasha” với mong muốn Inuyasha có thể trân trọng người trước mắt và có một cái kết đẹp với người mình thương.

Tới nay, “Inuyasha” vẫn khiến tôi bồi hồi khi nhớ đến mối duyên tréo ngoe của tên bán yêu với một cô nữ sinh trong sáng và thầm nghĩ rất nhiều câu hỏi “Nếu như….” dành cho họ. Tôi vẫn luôn tin rằng đây mãi là một chuyện tình khiến người yêu thích truyện tranh vô cùng lưu luyến khi rời khỏi trang sách. Tất cả những điều ta cần ở một bộ truyện tranh, từ những lần trừ yêu diệt quái hồi hộp đến những cảm xúc đôi lứa mới chớm đều được khắc họa rất đẹp trong tác phẩm này.

Tsubasa (Giấc mơ sân cỏ) – Takahashi Yōichi

“Captain Tsubasa” hay còn được biết đến với tên “Tsubasa – Giấc mơ sân cỏ” là một bộ manga lấy đề tài bóng đá xoay quanh nhân vật chính là một cậu bé thần đồng của bóng đá Nhật Bản có tên Oozora Tsubasa. Có thể nói loạt truyện tranh này phù hợp và là niềm vui dành cho mọi người, dù bạn không hề có niềm đam mê với bóng đá và ở bất kỳ độ tuổi nào. Ngày còn nhỏ, tôi say mê đội trưởng Tsubasa điên cuồng vì cậu bé này có thể kiên trì và nhiệt huyết với đam mê đá bóng của mình nhiều đến như vậy. Tsubasa không phải là người được đào tạo bày bản như các bạn khác, cậu bắt đầu làm quen với trái bóng rất đỗi tự nhiên và trong quá trình chơi bóng rất vô tư ấy lại khám phá ra tình yêu mãnh liệt mình dành cho nó.

Điều tôi thích nhất ở “Tsubasa – Giấc mơ sân cỏ” là hành trình đưa chân sút tài giỏi người Nhật bước ra đấu trường thế giới. Từ đây, cậu được học hỏi và tiếp thu thêm nhiều kiến thức về các nền văn hóa đá bóng của các nước bạn. Nếu bạn cảm thấy truyện tranh là chưa đủ để chiêm ngưỡng những siêu phẩm sút bóng của Tsubasa, hãy xem phim để được ngắm nhìn những pha đi bóng tuyệt hảo của cậu. Lắm lúc nghĩ về Tsubasa, tôi thấy khâm phục và cảm mến sự chân thành và tình yêu cậu dành cho trái bóng. Tôi cũng muốn mình như giống như những nhân vật hoạt hình mình yêu mến, có lòng quả cảm như Nobita, sự bao dung của Doraemon… và đặc biệt là quyết liệt cho giấc mơ của mình như Tsubasa.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article