5 bài TED Talks thú vị giúp mỗi ngày của bạn đều ngập trong tiếng cười
Lifestyle

5 bài TED Talks thú vị giúp mỗi ngày của bạn đều ngập trong tiếng cười

TED Talks không chỉ có các bài nói về những chủ đề mang tính học thuật, mà còn có các chủ đề gần gũi với cuộc sống, khiến bạn học được nhiều điều thú vị nhưng vẫn cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ chịu.

“Why you should make useless thing?”

(Tạm dịch: Tại sao bạn nên làm ra những thứ vô dụng?)

Simone Giertz (người vốn không hề có bất kỳ kiến thức nào về chế tạo máy móc) trở thành nhà phát minh và điều hành kênh Youtube về những phát minh của mình đã có một bài chia sẻ hết sức thú vị về sở thích của cô. Simone mở đầu bài nói một cách hết tự nhiên và chân thành bằng cách làm sao để chế ngự được sự căng thẳng tột độ khi phải nói chuyện trước đám đông. Từ đây, cô cho mọi người xem một vài phát minh nhỏ của mình và khiến cả hội trường bật cười.

Cô phát minh rất nhiều thứ (mà người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy chúng khá vô dụng và thật vớ vẩn làm sao) như mũ bảo hiểm với chức năng đánh răng tự động, hay “bàn tay nhân tạo” báo thức bằng cách liên tục đánh vào mặt chẳng hạn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, rằng vẻ đẹp thực sự của việc làm ra “những thứ vô dụng” là một sự thừa nhận rằng bạn không phải lúc nào cũng biết câu trả lời tốt nhất là gì. Nhưng ít ra là bạn đang đặt câu hỏi, bạn tò mò và dám đi tìm một lời đáp.

“The suprisingly charming science of your gut”

(Tạm dịch: Khoa học hấp dẫn và đầy ngạc nhiên về hệ tiêu hóa của bạn)

Guilia Enders, một bác sĩ, tác giả sách “Gut: The Inside Story of Our Body’s Most Underrated Organ” (Khám phá câu chuyện về cơ quan được đánh giá thấp nhất trong cơ thể người) đã có một bài nói hết hài hước và dí dỏm về cơ chế mà người ta rất hay ngượng ngùng khi đề cập đến. Bạn đã bao giờ tự hỏi làm thế nào chúng ta đi vệ sinh chưa? Giulia Enders sẽ giúp bạn không chỉ tìm hiểu về hệ thống diễn ra quá trình tiêu hóa kỳ diệu, mà còn vào sâu bên trong khoa học phức tạp, hấp dẫn đằng sau nó, bao gồm cả mối liên hệ của nó với sức khỏe tâm thần. Hóa ra, khi nhìn kỹ hơn vào thứ mà chúng ta có thể ngại ngùng có thể khiến mọi người cảm thấy không sợ hãi và được nạp năng lượng rất nhiều.

“A visual history of social dance in 25 moves”

(Tạm dịch: Lịch sử bằng hình ảnh của khiêu vũ giao tiếp qua 25 bước)

Camille A. Brown (đạo diễn, biên đạo múa, nhà giáo dục) giúp người xem tìm hiểu về ý nghĩa của điệu nhảy giao tiếp trong văn hóa của người Mỹ gốc Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Theo đó, khiêu vũ giao tiếp là một loại hình văn hóa để vui chơi và giải trí, không chú trọng nhiều đến kỹ thuật. Yêu cầu chính của thể loại nhảy này là nhảy theo nhạc, không có nhảy đúng hay sai, không có người sáng tạo ra cả bài nhảy và càng không có một tiêu chuẩn hay quy định nào bắt buộc nào. Cách một cộng đồng nhảy cùng nhau nói lên rất nhiều về bản sắc của họ. Các điệu nhảy này bắt đầu như một cách để những người châu Phi dưới chế độ nô lê giữ truyền thống văn hóa và cảm giác tự do bên trong họ. Nói không chừng bạn sẽ muốn nhún nhảy ngay khi hiểu được tác dụng thần kỳ đằng sau những điệu nhảy. Chỉ với thời lượng hơn 4 phút, bạn có thể trải qua một buổi sáng rộn ràng nhiều năng lượng.

“You have no idea where camels really come from”

(Tạm dịch: Bạn không biết lạc đà thật sự đến từ đâu)

Tất cả những gì chúng ta nghĩ về lạc đà đó chúng không thể sống ở đâu phù hợp hơn sa mạc. Chúng là động vật sinh ra để chịu được cái nóng điên người và sẽ chết nếu ở một môi trường ấm áp hay lạnh lẽo hơn. Nhưng câu chuyện đáng ngạc nhiên của Latif Nasser đã thay đổi hoàn toàn những điều chúng ta vẫn tin tưởng. Từ những hóa thạch thu nhặt được xung quanh khu vực Vòng Bắc Cực (Arctic Circle), các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và phát hiện những mảnh nhỏ rời rạc ấy chính là xương của một loài động vật có vú.

Và sau khi tiến hành đối chiếu với 37 mẫu động vật có sẵn, họ tìm thấy sự tương đồng đầy bất ngờ, những mảnh xương với 3.5 triệu tuổi đời đó thuộc về lạc đà và có kích cỡ lớn hơn lạc đà ngày nay đến 30%. Latif Nasser khiến khán giả phá lên cười vì cách kể chuyện dí dỏm của mình trước một phát hiện khoa học tưởng chừng rất khô khan. Tuy là một mẩu chuyện nhẹ nhàng nhưng khiến chúng ta phải khựng lại… và bắt đầu suy nghĩ khác đi về một thế giới mà chúng ta nghĩ mình biết rất rõ.

“How I made friends with reality”

(Tạm dịch: Tôi đã làm bạn với thực tế như thế nào)

Nhà văn và diễn giả người Mỹ Emily Levine mở đầu buổi trò chuyện với một tuyên bố “xanh rờn”: “Tôi đang bị ung thư phổi giai đoạn bốn”. Nhưng cách mà Emily nói về căn bệnh của mình khiến cả khán phòng không ngớt tiếng cười. Vẫn có những phút giây lắng lòng nhưng mọi thứ rất nhẹ nhàng, dễ chịu. Điều đầu tiên mà bà làm đó là làm bạn với thực tế (dù giữa bà và nó không hề có chung những giá trị hay mục tiêu nào). Sau khi quyết định “bầu bạn” với thực tế, bà bắt đầu nhận ra nhiều bài học khác, và suy nghĩ về việc phải vượt qua cách chết hay phải chống lại nó bằng mọi giá cũng chẳng khác gì cố đi ngược lại với tự nhiên, là một trong số đó.

Chúng ta không thể nào biết tất cả mọi thứ, kiểm soát tất cả mọi thứ hay tiên đoán bất kỳ điều gì. Tự nhiên là một chuyến xe tự lái, tất cả những gì ta có thể làm là ngồi vào ghếvà tận hưởng, đón nhận những điều sẽ đến. Bà cảm thấy rất biết ơn cuộc sống và được trở thành một phần của nó. “Cuộc sống là một món quà to lớn. Tất cả những gì bạn cần là hãy làm giàu cuộc sống của mình hết sức có thể. Sau đó thì hãy gửi trả nó lại, vậy thôi.” – bà kết luận. Nếu bạn muốn chiêm nghiệm nhiều hơn về sự sống và cái chết, hãy đọc thêm blog của Emily – “The Yoy of Dying” tại EmilysUniverse.com.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article