21 năm và mùa xuân của Trịnh
Arts & CultureLifestyle

21 năm và mùa xuân của Trịnh

Trịnh Công Sơn ra đi vào một ngày mùa xuân, thấm thoát đã 21 năm (1/4/2001 – 1/4/2022). Ngày ấy, không ai tin người nhạc sĩ tài hoa đã thực sự “hoá vàng thiên thu”, cho đến hôm nay có lẽ vẫn vậy, vì công chúng vẫn nghe thấy mùa xuân của Trịnh len lỏi khắp nơi khi ta biết mình vào “tuổi đá buồn”.

Dù cho hôm nay là ngày giỗ của cố nghệ sĩ, thời gian này hằng năm tôi vẫn thường lặng lẽ ra nghĩa trang Gò Dưa như ghé thăm cố nhân mà mình mến mộ, nhưng hôm nay tôi không muốn nói mãi về sự ra đi đó. Tôi muốn nói về điều còn mãi. Nhạc của Trịnh Công Sơn có ba chủ đề nổi bật nhất mà ai cũng biết: Thân phận con người, phản chiến và Tình yêu. Ta chợt thấy Tình yêu trong nhạc của ông hiện lên tràn đầy trong tinh thần của mùa xuân.

Ngay từ khi tuổi còn đương xuân, người nhạc sĩ đã cảm nhận được những phi lý của đời người; và như ông đã từng trả lời phỏng vấn rằng ông tâm tư về sự sống và cái chết. Khi nhân vật em của Trịnh Công Sơn “gọi tên bốn mùa”, em gọi mùa hạ từng cơn mưa thì thầm dưới chân ngà, em gọi mùa thu cho hàng cây khô, cành bơ vơ, em gọi mùa đông lạnh từng ngón sương mù, nhưng khi em đứng lên gọi mùa xuân mở như nụ trên cành thênh thang, chim sẽ về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng. Đâu đó ta thấy rằng, trong tâm hồn ông mang màu vàng nắng nhạt và màu xanh của chồi non mùa xuân, chứ không chỉ toàn những điều khó hiểu và trầm buồn như khán giả thường nghĩ.

Thời kỳ học ở trường sư phạm Quy Nhơn (1961), Trịnh Công Sơn đã viết: “Khi chim én bay vào mùa xuân, mình tôi đi, triền núi đến, tôi xe cát nghe lưu đầy”. Trong hành trình đi tìm bản ngã, người nhạc sĩ trẻ khi đó còn nhiều do dự với bốn mùa: “Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa làm tóc tôi trắng. Tôi gọi tên tôi khắp chốn non ngàn… Xuân, hạ, thu, đông theo gót chân hờ”. Lời ca của Trịnh cũng luôn luôn bị ám ảnh với nắng xuân cho dù hoàn cảnh nào.

Kể cả qua những cuộc tình bị kẹt lại trong mùa đông mà không kịp đón mùa xuân của Trịnh cũng còn lấp lánh vẻ đẹp này. Người nghe có thể dễ dàng bắt gặp trong Biển Nhớ với “Nửa bóng xuân qua ngập ngừng” để giải tỏa nỗi tình với ca sĩ Bích Khê; hay tại Hoa Xuân Ca, một mùa xuân sao quá đỗi rạng ngời hiện lên “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa. Xuân đến bên kia đồi trởi mở ra cánh én. Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình”, nhưng mấy ai biết rằng đó là cuộc tình dang dở với cô gái Huế xinh đẹp tên Xuân.

Có một điều như này, nếu mùa xuân vẫn thường dùng để mỹ miều hoá thời gian, tuổi người như ta thường thấy trong các kinh điển nghệ thuật, như Truyện Kiều của Nguyễn Du nói rằng: “Hoa xuân đương nhuỵ, ngày xuân còn dài” thì mùa xuân của Trịnh cần bóng hình của tình yêu như một trợ lực mạnh mẽ. Nhờ tình yêu mà mùa xuân của Trịnh muôn vẻ như đúng bản tính của thứ cảm xúc đặc biệt nhất cõi đời này. Trong một tuyển tập 127 tình khúc của ông, tới hơn một nửa là sắc độ của xuân. Tình yêu đến chàng trai trong Đoá Hoa Vô Thường thấy ““Mùa xuân trên những mái nhà. Có con chim hót tên là ái ân”, hay khi Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, chỉ đơn giản khi anh ngắm bàn tay em ngủ, bàn tay kết nụ, nuôi cả cuộc đời, khi đó chẳng cần bất kỳ một biểu tượng không gian nào xuất hiện…thì mùa xuân cũng ngập tràn. Bởi nếu thiếu vắng tình yêu thì “Em đã đi đời có đâu ngờ. Mang trái tim mùa xuân héo khô. Không có em buồn vui với ai” (Còn ai với ai).

Với bản thân người viết, ngoài tình yêu đôi lứa trong nhạc Trịnh, tôi còn yêu một mùa xuân nữa trong tình yêu gia đình đầy trong sáng của “Em là bông hồng nhỏ”. Mỗi lần nghe “Em sẽ là mùa xuân của mẹ. Em sẽ là màu nắng của cha. Em đến trường học bao điều lạ. Môi biết cười là những nụ hoa”, tôi giật mình vì lời ca quá đỗi mềm mại để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, nhưng cũng quá đỗi da diết để người lớn quên đi mình bao tuổi. Mùa xuân này tạo một mốc son chuyển mình trong lối sáng tác của cố nhạc sĩ, sự ưu tư của những ngày chìm trong chiến tranh và chia cắt đã qua, nay ta thấy hơi thở mới của ông.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi về một mùa xuân của riêng ông, “dù trần gian có xót xa, cũng đành về với quê nhà” (Đoá Hoa Vô Thường), nhưng ngày này hàng năm, người yêu nhạc Trịnh nói riêng và người Việt Nam nói chung lại nhớ về ông như một biểu tượng văn hoá sống mãi. Tại phần mộ của ông, họ đàn ca từ sáng tới đêm với đầy xúc động say mê. Chắc có lẽ, cũng như tôi, họ biết rằng, mùa xuân của Trịnh là tình yêu và tình yêu chính là mùa xuân đất trời.

 

Related Article